Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của ung thư dạ dày
(Dân trí) - Một số yếu tố như chế độ ăn uống, lối sống, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và yếu tố di truyền đã được chứng minh có vai trò trong ung thư dạ dày.
Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày theo bác sĩ Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai:
- Thức ăn chứa nhiều muối, hay được bảo quản bằng muối (như các loại rau muối, thịt muối…) dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày và do đó khiến dạ dày càng dễ bị tổn thương bởi các tác nhân sinh ung thư.
- Vi khuẩn H. pylori: Các nghiên cứu cho thấy nhiễm H. pylori làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày. Nguyên nhân là do vi khuẩn này làm viêm niêm mạc dạ dày dẫn tới teo niêm mạc, dị sản ruột, loạn sản và có thể tiến triển thành ung thư. Điều trị diệt H. pylori cũng giúp làm giảm tỷ lệ tái phát ở ung thư dạ dày giai đoạn sớm sau điều trị.
Ăn nhiều thức ăn ướp muối làm tăng nguy cơ nhiễm H. pylori dai dẳng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc đồng thời ăn chế độ ăn nhiều muối và nhiễm H. pylori sẽ càng làm tăng cao hơn nguy cơ ung thư dạ dày.
- Các hợp chất nitroso (hợp chất chứa nhóm-NO) trong một số loại thức ăn, khói thuốc lá cũng góp phần làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Các hợp chất N-nitroso còn được tạo ra do sự chuyển hóa nitrat có trong một số loại thực phẩm và chất chất phụ gia.
- Béo phì: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vùng tâm vị của dạ dày.
- Hút thuốc lá: Một số nghiên cứu cho thấy người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp khoảng 1,5 lần người không hút thuốc lá. Nguy cơ này giảm dần sau khi cai thuốc 10 năm.
- Nhiễm virus Virus Epstein-Barr (EBV): Một số nghiên cứu (ở Hàn Quốc…) cho thấy có vai trò của loại virus này trong việc gây ra ung thư dạ dày. Sau đó nhiều nghiên cứu khác đã chứng minh và ước tính có khoảng 5-10% các trường hợp ung thư dạ dày trên toàn thế giới có liên quan đến EBV.
- Yếu tố di truyền: Ung thư dạ dày có liên quan tới yếu tố gia đình xảy ra ở khoảng 10% các trường hợp.