Nguyên nhân gây độc của “hạt nở”: Vẫn phải chờ!
(Dân trí) - Hàng chục học sinh ở huyện Quảng Xương, Thanh Hoá đã phải nhập viện với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Qua kiểm tra đánh giá thì nguyên nhân gây ra hiện tượng trên là do học sinh chơi túi “hạt nở” ngâm nước.
Hạt nở là một là một loại đồ chơi ở dạng hạt do Trung Quốc sản xuất. Đây là đồ chơi được học sinh khá ưa thích, đặc biệt là các học ở bậc tiểu học.
Hạt nở nhỏ bằng đầu các que tăm với nhiều loại màu sắc khác nhau. Những hạt nhỏ trong túi sau khi ngâm xuống nước khoảng 30 phút thì nở ra thành những viên bi lấp lánh rất đẹp. Nếu để lâu, và động nước, chúng sẽ bị vỡ dần rồi tan ra trong nước.
Hiện nay trên thị trường còn xuất hiện các loại hạt nở khá hấp dẫn như khi ngâm nước nó sẽ chuyển thành các bông hoa hoặc chuyển thành các con vật kỳ thú như bò cạp, khủng long, cá sấu...
Theo nhận định bước đầu thì hạt nở thực chất là polyme ghép tinh bột. Nếu trong quá trình sản xuất không loại hết phụ gia, chất xúc tác sẽ rất độc hại đối với cơ thể con người, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, một số chất màu còn có khả năng gây ung thư.
Ông Nguyễn Nhẫn, Trưởng phòng quản lý nghiệp vụ - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết:
Cán bộ quản lý địa bàn từ lâu đã biết đến loại hạt đồ chơi trương nở này và đã từng mua về để nghiên cứu. Tuy nhiên, vấn đề xác định loại hạt nhựa này có độc hại hay không, độc hại đến mức nào thì phải có văn bản chính thức về kết quả xét nghiệm của của Chi cục kiểm định đo lường chất lượng.
Chính vì vậy, hiện tại cán bộ quản lý mặc dù đã nghe, biết không ít thông tin về loại hạt nhựa này nhưng vẫn chưa đưa ra lời cảnh báo gì trên thị trường. Nhưng các loại hàng hóa không rõ địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ.. thì rõ ràng không được phép lưu hành.
P. Thanh |
Các chuyên viên ở đây cũng cho hay: "Rất có thể cấu trúc hạt nở ở đây không phải là polyme ghép tinh bột thông thường mà là dạng khác".
Cũng đồng quan điểm này, thầy giáo Nguyễn Tiến, Giảng viên Hoá trường ĐH Sư phạm, là người đã từng tham gia nghiên cứu về cấu trúc polyme cho biết: "Hiện ở phòng thí nghiệm chúng tôi cũng nghiên cứu về hạt nở này. Tuy nhiên hạt nở của chúng tôi là ghép tinh bột thông thường. Những loại hạt nở dạng này hoàn toàn không gây độc. Khi ngâm vào nước thì sẽ không có mùi và khí".
Nhận định về khả gây độc của hạt nở Trung Quốc đối với hàng chục học sinh ở huyện Quảng Xương, Thanh Hoá thầy Dũng nói: "Theo tôi thì nguyên nhân gây độc có thể là do chất tạo màu. Khi ngâm vào nước các chất phụ gia của chất tạo màu còn sót sẽ biến thành khí thoát ra môi trường và gây độc cho người sử dụng nó. Tuy nhiên để có thể nhận định chính xác thì cần phải phân tích mẫu một cách chi tiết".
Để làm rõ về thành phần và nguyên nhân gây độc của hạt nở Trung Quốc, chiều ngày 20/12, Dân trí đã gửi mẫu loại hạt này mua trên thị trường Hà Nội gửi đến Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme trường Đại học Bách khoa Hà Nội để nhờ phân tích.
Chúng tôi sẽ thông tin chi tiết vế kết quả phân tích này trong một vài ngày tới.
TPHCM: Hạt trương nở vẫn bày bán công khai
Nhiều tiểu thương tại khu vực Chợ Lớn (quận 6) vẫn đon đả chào hàng hạt trương nở khi phóng viên Dân Trí đến hỏi mua. Đến khu vực chuyên bán đồ chơi trẻ em trên đường Trần Bình hay đường Tháp Mười (phường 2, quận 6), ai cũng có thể mua được hạt trương nở mà người dân TPHCM vẫn gọi là “hạt trân châu”.
Chủ một cửa hàng giới thiệu hàng loạt vỉ hạt trương có gắn tấm bìa sơ sài in chữ Lucky và dòng chữ nhỏ “Made in China”. Ngoài ra không có thông tin nào khác về xuất xứ hay hướng dẫn cách chơi. Khi hỏi về tính độc hại của đồ chơi này, chủ một cửa hàng trả lời tỉnh bơ: “Tôi chưa nghe ai nói hạt trân châu này có hại. Cũng không ai cấm bán. Tụi trẻ con thích đồ chơi này nên tôi lấy hàng về nhiều”.
Em Kim Khôi, học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1 cho biết, em từng chơi trò và mấy đứa em của em cũng rất mê. Một học sinh khác của trường này thì cho rằng: “Em không chơi trò này vì chẳng có gì thú vị cả. Tuy nhiên, các bạn trong lớp em hay lấy hạt trân châu “chọi” nhau trong giờ nghỉ giải lao. Nhà trường chưa có lời cảnh báo nào về tính độc hại của đồ chơi này.”
Nguyên Tuấn |
Nguyễn Hùng