1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nguy kịch do dùng thảo dược trị đái tháo đường chứa tân dược cấm

Ông L.V.M. được người nhà đưa đến BV ĐHYD cấp cứu với triệu chứng mệt mỏi, ói mửa nhiều lần, không ăn uống được nhưng không hề đau bụng, sốt hay tiêu chảy.


Thuốc mà ông M. sử dụng do người quen giới thiệu không rõ nguồn gốc

Thuốc mà ông M. sử dụng do người quen giới thiệu không rõ nguồn gốc

Sáng 6/12, đại diện BV Đại học Y Dược TPHCM (ĐHYD) cho biết, đã tiến hành chữa trị kịp thời cho một cụ ông 80 tuổi, có triệu chứng bất thường đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng do sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc để chữa bệnh.

Người nhà bệnh nhân cho biết, ông M. bị đái tháo đường đã nhiều năm. Trước khi nhập viện, sức khỏe và đường huyết ổn định, không cần dùng nhiều thuốc, chỉ uống ít thảo dược dạng viên hằng ngày. Cách đây vài tuần, ông M. bắt đầu có những triệu chứng mệt mỏi, ói mửa nhiều lần, không ăn uống được...

Kết quả xét nghiệm tại BV ĐHYD lại đối nghịch hoàn toàn với biểu hiện bên ngoài của ông M. Theo đó, ông M. bị suy thận cấp và toan máu nặng với pH = 6.8 (mức bình thường 7.35-7.45). Tình trạng toan máu nặng rất hiếm gặp, thường chỉ gặp ở người bệnh ngưng thở, ngưng tim từ rất lâu.

Xác định đây là trường hợp rất nặng, đe dọa tính mạng và có thể tử vong bất kỳ lúc nào, ê kíp trực nhanh chóng tập trung lực lượng, thuốc men, máy móc, tiến hành điều trị thuốc song song với việc lọc máu cấp cứu ngay cho người bệnh.

Gia đình cho biết, ông M. đang dùng một loại thảo dược dạng viên, đựng trong các bao nhựa không nhãn mác do một người quen giới thiệu có tác dụng hạ đường tốt, rẻ tiền, dễ mua và không cần khám bệnh hằng tháng.

Sau các xét nghiệm phân tích thành phần chuyên sâu của loại thuốc mà người bệnh sử dụng, các bác sĩ khẳng định đây không phải là thảo mộc đơn thuần mà chính là Phenformin, một loại thuốc trị ĐTĐ nổi tiếng ở thập niên 50-70 của thế kỷ trước, đã bị cấm lưu hành từ hơn 50 năm.

Bác sĩ CKI. Nguyễn Viết Hậu - Phó trưởng khoa Cấp cứu BV ĐHYD cho biết: “Bệnh nhân M. được chẩn đoán sớm và đúng bệnh lý, cấp cứu kịp thời nên có thể qua khỏi, dù người bệnh vẫn phải theo dõi và chăm sóc tích cực nhiều ngày với máy thở và lọc máu liên tục. Các trường hợp tương tự, tỉ lệ tử vong lên đến hơn 50%”.

Đối với loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng, bác sĩ Nguyễn Viết Hậu cho biết, việc điều trị bằng Phenformin dễ xảy ra các tác dụng phụ, biến chứng gây tử vong, thậm chí ở người còn rất trẻ. Đôi khi diễn biến tử vong rất nhanh mà không tìm được nguyên nhân, thậm chí dẫn đến nghi ngờ bị đầu độc.

Theo K Liệp

Lao động