Nguy hiểm khi trẻ sốt xuất huyết nhưng cha mẹ tưởng mắc Covid-19
(Dân trí) - Các bác sĩ cho biết nếu cha mẹ nhầm tưởng con tái nhiễm Covid-19 mà để ở nhà tự theo dõi thì khi bệnh sốt xuất huyết nặng, trẻ có thể rơi vào sốc, suy đa cơ quan và nguy hiểm tính mạng.
Bệnh nhi vừa mắc sốt xuất huyết và Covid-19
Ngày 14/10 trao đổi với Dân trí, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 cho biết, từ sau ngày TPHCM nới lỏng giãn cách, số lượng bệnh nhân đến các phòng khám đông hơn. Mỗi ngày khoa tiếp nhận 10-15 trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện, tăng nhẹ so với thời điểm dịch căng thẳng.
Trong đó, có một số bệnh nhi vừa mắc sốt xuất huyết, vừa mắc Covid-19, hoặc từng là F0. Đáng chú ý, có một trẻ mắc bệnh biến chứng sốc nặng, khi xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. May mắn nhờ được xử trí tích cực kịp thời, bệnh nhi qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ ghi nhận tình trạng bệnh nhân vào cấp cứu khi triệu chứng đã nặng, nguyên nhân vì tâm lý sợ dịch không dám đến BV hoặc vì nhầm lẫn với việc tái nhiễm Covid-19.
Bác sĩ Tuấn thông tin, cả sốt xuất huyết lẫn Covid-19 đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sốt xuất huyết gây ra do virus dengue, lây truyền từ người bệnh qua người lành bằng việc bị muỗi vằn aedes aegypti đốt. Còn Covid-19 là bệnh do virus SARS-CoV-2 lây chủ yếu qua đường hô hấp do hít phải giọt bắn từ việc hắt hơi, sổ mũi của người bệnh.
Triệu chứng của sốt xuất huyết và Covid-19 ở giai đoạn ban đầu có thể nhầm lẫn do đều gây sốt, đau nhức cơ, đau đầu, đau tay chân, đau khớp, mệt mỏi. Tuy nhiên trong sốt xuất huyết, ngoài sốt thì người bệnh còn có thể buồn nôn, chán ăn, da xung huyết là chính - ít có triệu chứng hô hấp.
Ở giai đoạn nặng của bệnh, thường rơi vào sau ngày thứ 3, thứ 4 - khi bệnh nhân bắt đầu giảm sốt. Lúc này, bệnh nhân có thể bị tay chân lạnh, đau bụng, ói nhiều, xuất huyết ngoài da hoặc chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi cầu phân đen… Trường hợp nặng sẽ vào sốc, trụy tim nặng, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.
Còn với Covid-19, chủ yếu bệnh nhân có triệu chứng đường hô hấp như ho, hắt hơi, ngạt mũi, sổ mũi, đau họng, mất khứu giác vị giác, tiêu chảy. Nếu diễn tiến nặng, bệnh nhân sẽ bị ho, khó thở, suy hô hấp và cũng suy đa cơ quan.
Ban đầu triệu chứng dễ lẫn lộn, do đó phải xem xét yếu tố dịch tễ, gia đình có người thân nào hay gần nhà có người nhiễm Covid-19 hay sốt xuất huyết hay không.
"Phải theo dõi thật kỹ để xác định các triệu chứng nguy hiểm, kịp thời đưa đi BV. Nếu để trễ quá, bệnh nhân sốt xuất huyết vào sốc, suy đa cơ quan thì tính mạng sẽ bị đe dọa" - bác sĩ Tuấn phân tích.
Ca sốt xuất huyết sẽ tăng cao
Tại BV Nhi Đồng 2, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm cho biết, vì khoa đang đảm đương nhiệm vụ điều trị Covid-19 nên các trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện được chuyển qua khoa Nội 1.
"Hiện tại, số lượng mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại BV là 12 bệnh, 3-4 trường hợp nặng. Bệnh nhi sốt xuất huyết có liên quan đến Covid-19 chỉ có 2-3 ca" - bác sĩ Việt thông tin.
Cũng theo bác sĩ Việt, TPHCM và khu vực Nam Bộ đã vào mùa mưa, muỗi sinh sản mạnh nên dự kiến sắp tới, số ca sốt xuất huyết sẽ tăng cao. Do đó, khoa đang lên kế hoạch để chuẩn bị các cơ sở vật chất, phương tiện. Các nhân viên y tế cũng sẽ được tập huấn lại kỹ năng chăm sóc, điều trị sốt xuất huyết cho trẻ sau một thời gian dài tập trung chống chọi với Covid-19.
Bác sĩ Việt khuyến cáo dù cho trẻ có từng là F0 hay không, khi thấy con mình có triệu chứng bất thường về sức khỏe, sốt 2 ngày mà không tìm thấy nguyên nhân thì cha mẹ phải đưa đi BV kiểm tra sớm. Hiện tại, các BV đã có đơn vị điều trị Covid-19 riêng, đi cổng riêng nên người dân có thể yên tâm đưa trẻ đi khám bệnh.
"Dù có Covid-19 hay không thì nguy cơ sốt xuất huyết vẫn bùng lên. Người dân phải ngủ mùng, mặc áo quần dài, xịt thuốc diệt muỗi... để ngăn muỗi đốt, phòng nguy cơ sốt xuất huyết", BS khuyến cáo.