Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ 16 triệu người phóng uế bừa bãi
(Dân trí) - Trên cả nước hiện còn 45% hộ gia đình ở nông thôn chưa có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, khoảng 16 triệu người đang phóng uế bừa bãi ra môi trường. Đây là nguyên nhân lây lan bệnh truyền nhiễm đặc biệt là tiêu chảy, giun sán, gia tăng chi phí y tế cho cộng đồng.
Thông tin trên được TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho hay trong buổi mít tinh hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới tại Trường THCS Trần Thị Tiết, xã Giao Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre (ngày 21/11).
Theo báo cáo của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011 đến 2015, trên cả nước mới chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Còn 45% hộ gia đình ở nông thôn (tương đương 16 triệu người) đang sử dụng nhà vệ sinh không đảm bảo, phóng uế bừa bãi ra môi trường.
Thực trạng trên là do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức về hành vi vệ sinh cá nhân còn thấp, các hộ gia đình không tự xây dựng được nhà vệ sinh tự hoại nên còn thói quen đi tiêu, đi tiểu theo kiểu “nguyên thủy”. Đây là nguyên nhân dẫn tới sự lưu hành và phát tán trên diện rộng một số bệnh dịch nguy hiểm lây truyền theo đường phân miệng như: tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán đặc biệt là bệnh tay chân miệng do nhiễm phải mầm bệnh có trong phân của người khác đã phát tán ra môi trường nước, đất, thực phẩm, bàn tay bẩn hoặc qua côn trùng trung gian truyền bệnh.
Theo đánh giá của đại diện Bộ Y tế, vệ sinh môi trường kém đang làm tăng chi phí cho công tác khám chữa bệnh, tiêu tốn mỗi năm khoảng 780 triệu USD, gây ra thiệt hại 1,3% GDP; ảnh hưởng tới sức khỏe cộng động, là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam lên đến 26%.
Theo tổ chức Liên Hợp Quốc, đến nay chỉ có khoảng 4,5 tỷ người trên thế giới sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, còn 2,5 tỷ người ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận với điều kiện vệ sinh cơ bản, trong đó có khoảng 1 tỷ người vẫn còn có hành đi tiêu bừa bãi. Tổ chức y tế thế giới đã chứng minh, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có thể giảm được 32% bệnh tiêu chảy. Việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có thể cứu sống hơn 200.000 trẻ em trên thế giới. Các nước có tỷ lệ đi tiêu bừa bãi cao cũng là nước có số trẻ em dưới 5 tuổi bị chết và suy dinh dưỡng cao, tỷ lệ đói nghèo lớn.
Do vậy từ năm 2001, các chuyên gia y tế trên toàn cầu đã quyết định chọn ngày 19/11 hàng năm làm “Ngày nhà vệ sinh thế giới” nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như của mỗi người dân về tầm quan trọng của vệ sinh môi trường đặc biệt là nhà tiêu hợp vệ sinh.
Phân tích của TS Liên Hương chỉ ra: “Để giải quyết tận gốc vấn đề trên, chúng ta phải làm tốt việc quản lý và xử lý phân người mà cụ thể là vận động toàn dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt tình trạng đi tiêu bừa bãi. Chính phủ Việt Nam cam kết đến năm 2025 sẽ chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và đầu năm 2030 thì 100% hộ gia đình người Việt có nhà tiêu hợp vệ sinh.”
Trong khuôn khổ của chương trình Ngày Nhà vệ sinh thế giới, Cục Quản lý Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan bàn giao khu nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho trường Tiểu học Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú. Dự kiến, trong năm 2016, chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng khoảng 1.000 nhà vệ sinh cho các trường học và hộ gia đình tại hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Đây là nỗ lực hướng tới một xã hội văn minh, giúp cộng đồng không còn bị nhiễm bệnh từ nguồn lây bởi những người đi tiêu bừa bãi.
Vân Sơn