Nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần ở bệnh nhân rung nhĩ
Cảnh báo này được đưa ra tại hội thảo khoa học-chuyên đề về quản lý huyết khối và dự phòng đột quỵ do Hội Tim mạch TPHCM chủ trì, và được tài trợ bởi VPĐD Bayer (South East Asia) Pte Ltd
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên thế giới có 15 triệu người bị đột quỵ. Trong số này, có khoảng 5 triệu người bị tàn phế suốt đời và hơn 5 triệu người tử vong, chiếm 10% số ca tử vong toàn cầu. Đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu và là nguyên nhân gây chết người đứng hàng thứ ba.
Riêng tại Việt Nam, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng của đột quỵ.
Đặc biệt, bệnh nhân rung nhĩ có thể có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần so với người không mắc rung nhĩ. Rung nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim dẫn đến tình trạng ứ đọng máu bất thường trong buồng tim và từ đó dẫn đến sự hình thành các cục máu đông, còn gọi là huyết khối, trong buồng tim. Cục máu đông này có thể bung ra và di chuyển lên não gây gián đoạn việc cung cấp oxy lên não, dẫn đến đột quỵ.”
Đồng thời, bệnh nhân bị đột quỵ do rung nhĩ thường phải nằm viện lâu hơn, đối mặt với nguy cơ tàn phế và tử vong cao hơn đột quỵ do những nguyên nhân khác, với tỷ lệ tử vong là 50%.
Do đó, chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia khuyến nghị, khi có các triệu chứng đánh trống ngực, mệt mỏi, đau ngực, choáng váng, khó thở, ngất… bệnh nhân cần nhanh chóng đến cơ quan y tế để kiểm tra sức khỏe và xác định tình trạng rung nhĩ và có biện pháp điều trị phòng ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, cần lưu ý là 38% bệnh nhân rung nhĩ không có triệu chứng, có thể được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ.
Và khi phát hiện sớm, có thể dự phòng đột quỵ do rung nhĩ bằng các giải pháp chống huyết khối. Trong đó, các thuốc kháng đông đường uống mới được xem là liệu pháp thay thế kháng vitamin K truyền thống với ưu điểm: liều cố định, ít tương tác thuốc và thức ăn, không phải theo dõi xét nghiệm máu nên thuận tiện hơn cho bệnh nhân. Quan trọng là, so với kháng vitamin K, nhóm kháng đông đường uống mới được chứng minh có hiệu quả tương đương và giúp giảm nhiều hơn tỉ lệ xuất huyết nặng như xuất huyết nội sọ và xuất huyết gây tử vong.
Mới đây, tại hội nghị thường niên của Cộng đồng Tim mạch và Rối loạn nhịp tim châu Âu (ECAS) lần thứ 12, diễn ra vào tháng 4 năm 2016 tại Đức, công bố mới nhất từ kết quả nghiên cứu REVISIT US, là nghiên cứu hồi cứu trong thực tiễn lâm sàng trên gần 23.000 bệnh nhân tại Mỹ cũng tái khắng định: so với kháng vitamin K (wafarin), thuốc kháng đông đường uống mới giúp giảm tỷ lệ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cũng như giảm tỷ lệ xuất huyết nội sọ ở bệnh nhân rung nhĩ không do van tim.
Liên quan đến việc dự phòng đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ, các chuyên gia nhấn mạnh, yếu tố quan trọng là bệnh nhân cần tái khám đầy đủ, tuân thủ điều trị, sử dụng các thuốc chống huyết khối theo chỉ định của bác sĩ, thông báo cho bác sĩ điều trị tình trạng bệnh và các thuốc đang sử dụng.”
Toàn cảnh hội thảo khoa học
Vân Linh