ĐBSCL:

Nguy cơ dịch cúm H5N1 lan trên diện rộng từ mùa vịt chạy đồng

(Dân trí) - Vịt chạy đồng không phải là nổi lo mới của ngành chức năng mỗi khi có dịch cúm H5N1 bùng phát. Riêng năm nay, dịch cúm trên gia cầm diễn biến phức tạp, làm người dân cũng như các ngành chức năng đau đầu, nhất là mùa vịt chạy đồng đang vào mùa.

Nổi lo không của riêng ai,…!

Nếu tính đến thời điểm hiện tại, dịch cúm gia cầm H5N1 đã bùng phát ở 22 tỉnh thành trên phạm vi cả nước. Riêng khu vực ĐBSCL đã có 8 tỉnh thành phát hiện có ổ dịch cúm, tiêu huỷ hàng ngàn con gia cầm nhiễm bệnh. Trong lúc tình hình dịch cúm chưa được khống chế thì vấn nạn vịt chạy đồng đang là nỗi lo cho các ngành chức năng ở ĐBSCL.

Thực tế, trong mấy ngày qua khắp các tỉnh ĐBSCL bước vào mùa thu hoạch lúa vụ đông xuân rộ, vì thế trên các cánh đồng đã thu hoạch lúa xong xuất hiện những đàn vịt từ “phương xa” đến tìm những hạt lúa rụng trên đồng ruộng, cảnh các chủ vịt tranh đồng, xôn xao khắp các bờ ruộng.

Chủ vịt Nguyễn Văn Nho, ngụ huyện Tam Bình, Vĩnh Long đang cho bầy vịt ăn trên cánh đồng ở xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Nhờ nghe báo đài nên trước khi chạy đồng, tôi đã tiêm ngừa đầy đủ cho đàn vịt, chứ nếu không, khi vào đây mấy anh em thú y địa phương cũng chẳng cho vào.”


Nguy cơ dịch cúm H5N1 lan trên diện rộng từ mùa vịt chạy đồng

Hiện nay các tỉnh ở ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân và đây cũng là thời điểm vịt chạy đồng vào mùa

Giải thích về lí do tốn nhiều công sức cho mô hình chạy đồng, ông Nho cũng cho biết, nếu nuôi vịt với số lượng cả ngàn con thế này mà lấy tiền mua lúa đổ cho vịt ăn thì không thể kiếm lời được. Do đó, hầu hết dân nuôi vịt, mỗi khi đến mùa gặt là phải thăm dò tìm đồng để đưa vịt tới, tuy nhiên nuôi vịt chạy đồng cũng chứa nhiều rủi ro khi “ăn nhầm” vùng đất có dịch cúm.

Cùng cho đàn vịt ăn trên cánh đồng với anh Nho, anh Nguyễn Văn Hải – một chủ vịt ở địa phương cho biết: “Mỗi khi có dịch cúm gia cầm, dân nuôi vịt chạy đồng chúng tôi còn lo hơn cả cán bộ thú y. Một mặt lo tiến hành tiêm ngừa cho đàn gia cầm, mặt khác nghe ngóng tin tức xem địa phương nào có dịch cúm để biết mà né, chứ nếu không, trắng tay như chơi!”.

Dẫn chứng sự việc, anh Hải kể ra nhiều trường hợp 1,2 năm về trước nhiều hộ nuôi vịt ở địa phương anh bị bể nợ hàng trăm triệu đồng cũng vì lơ là việc tiêm ngừa cho đàn vịt trước khi đưa vịt đi chạy đồng. Theo anh Hải, không ít hộ phải bỏ nhà đi Bình Dương làm công nhân khi lâm vào cảnh nợ nần vì đàn vịt.

 Nguy cơ dịch cúm lan rộng

 Tại Đồng Tháp, đến đầu tháng 2 vừa qua, ngành thú y tỉnh đã tiêm ngừa bệnh cúm cho đàn gia cầm với hơn 1 triệu liều vắc xin. Trung bình số lượng gia cầm được tiêm phòng đạt 40-50%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tỷ lệ gia cầm trên địa bàn được tiêm ngừa đang giảm, vì số lượng gia cầm (chủ yếu là vịt chạy đồng) chưa được tiêm ngừa thâm nhập vào tỉnh đang tăng lên nhanh.

Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Tháp cho biết tại thời điểm này, việc các hộ nuôi vịt chạy đồng không tuân thủ tiêm ngừa dịch đang là một khó khăn lớn trong việc kiểm soát và khống chế dịch bệnh. Mặc dù hiện nay tỉnh chưa phát hiện ổ dịch, nhưng tình trạng nuôi vịt chạy đồng như thế này làm cho nguy cơ lây lan nhiễm cúm gia cầm từ vùng này qua vùng khác là rất cao.

Cũng theo ông Võ Bé Hiền cho biết, với gà khi mắc cúm có thể chết ngay, nhưng vịt khi nhiễm cúm ở mức độ nhẹ không có biểu hiện gì. Nguyên nhân do vịt có sức đề kháng cao hơn nên khi mắc bệnh phải với một lượng vi rút lớn mới có những biểu hiện bộc phát ra bên ngoài. Chính điều này đã tạo cho người chăn nuôi chủ quan (cho rằng đàn vịt không nhiễm bệnh) nên cứ tiếp xúc với chúng, dẫn đến nguy cơ lây bệnh từ gia cầm sang người, rất nguy hiểm.

Với những hộ có đàn gia cầm chết nhỏ lẻ họ cho vào bao rồi nếm xuống sông gây ô nhiễm môi trường

Với những hộ có đàn gia cầm chết nhỏ lẻ họ cho vào bao rồi nếm xuống sông gây ô nhiễm môi trường

Tại TP Cần Thơ từ đầu năm đến nay đã phát hiện 14 ổ dịch cúm H5N1, cơ quan chức năng tiêu huỷ hàng ngàn con gia cầm nhiễm bệnh. Hiện nay trong lúc tình hình dịch cúm đang diễn biến phức tạp (từ nhánh nhánh vi rút 1.1 thành nhánh 2.3.2.1C - PV), địa phương đang căng mình đối phó với nạn vịt chạy đồng chưa tiêm qua vắc xin phòng dịch.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.Cần Thơ cho biết: “Vào thời điểm này, TP Cần Thơ cũng như nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL đang bước vào mùa thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân, vì vậy thời điểm này cũng là thời điểm thích hợp nhất của các hộ chăn nuôi vịt theo cách chạy đồng mót lúa rơi. Bởi thế, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, ngành đã triển khai ngay cho các trạm về kế hoạch kiểm tra, quản lí đàn vịt ở địa phương và đặc biệt là các đàn vịt chạy đồng. Kiên quyết xử lý những đàn vịt không có giấy đăng kiểm, tiêm ngừa là không cho vào địa phương”.

Trước tình trạng vịt chạy đồng “chạy” tràn lan như hiện nay, ông Dũng có ý kiến để quản lí được vấn nạn này, một mặt tuyền truyền cho các hộ dân ý thức được việc đăng ký khi nuôi gia cầm với số lượng lớn. Mặt khác các địa phương ở khu vực ĐBSCL cần bắt tay nhau xiết chặt số gia cầm “đầu vào”, (từ vịt chạy đồng cho đến kinh doanh, vận chuyển mua bán). Nếu làm được hai việc này, công tác quản lí vịt chạy đồng, tiêm ngừa, kinh doanh gia cầm ở mỗi địa phương sẽ đạt hiệu quả cao.

Hiện tại, ở 10 tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL thuộc vùng quản lý của cơ quan thú y vùng VII có đàn gia cầm gần 40 triệu con. Trong đó, đàn gà gần 17 triệu con, tỷ lệ tiêm phòng 40-50%, đàn vịt với trên 21 triệu con nhưng tỷ lệ tiêm phòng khoảng 70 - 80%.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 đang diễn biến theo chiều tăng, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã xử lý kỷ luật hàng loạt chủ tịch UBND xã vì lơ là trong phòng chống dịch cúm gia cầm. Trong đó, các xã để xảy ra tình trạng buôn bán vịt chưa qua kiểm dịch tại chợ, lãnh đạo xã cũng bị xử lý kỷ luật.

Ngoài ra, An Giang còn công bố số điện thoại đường dây nóng và quyết định thưởng “nóng” 500.000 đồng/tin cho người cung cấp thông tin, khi phát hiện dịch cúm gia cầm. Riêng tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa phê bình và yêu cầu kiểm điểm 5 chủ tịch UBND xã để gia cầm chết trôi sông, cụ thể là xã Xà Phiên, Vĩnh Viễn, Lương Tâm (huyện Long Mỹ), Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy) và Phú Tân (huyện Châu Thành).


Nguyễn Hành