TPHCM:
Người vượt biên "chọc thủng" phòng tuyến, dịch Covid-19 nguy cơ bùng phát
(Dân trí) - Nhóm nhập cảnh trái phép nhiễm SARS-CoV-2 từ nước ngoài lợi dụng đường mòn lối mở, tàu đánh cá trên biển vào Việt Nam. Dịch Covid-19 đang hiện hữu, ngành y tế kêu gọi cộng đồng chung tay phòng chống.
Sáng 26/3, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia đã có chuyến thị sát, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TPHCM.
Sau khi xuất hiện 2 ca bệnh tại Hải Phòng và TPHCM, ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết: "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia đã chỉ đạo các địa phương có đường biên giới, bộ, không biển, đường mòn lối mở kiểm soát chặt chẽ đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Thời gian qua, lực lượng biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương làm khá tốt quản lý, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép nhưng đường biên giới kéo dài, nhiều đường mòn, lối mở, phong tục tập quán của địa phương giáp biên giới có sự giao lưu do đó vẫn còn nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam".
Ngày 25/3, qua công tác sàng lọc, ngành y tế đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đều là những đối tượng nhập cảnh trái phép. Nhóm người vượt biên đã lợi dụng tàu đánh cá của ngư dân để nhập cảnh về Việt Nam qua đường biển. Trong quá trình giám sát, kiểm tra, phát hiện, ban chỉ đạo quốc gia xác định một trường hợp dương tính tại TPHCM và một trường hợp dương tính tại Hải Phòng.
Sau khi nhận được thông báo về những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 Ban chỉ đạo Quốc gia đã có công điện khẩn gửi đến các địa phương liên quan. Ngành y tế TPHCM đã đưa ngay đối tượng dương tính đi cách ly, điều trị đồng thời truy vết những đối tượng F1 tiếp xúc gần ca bệnh đưa đi cách ly tập trung, những đối tượng F2 được hướng dẫn cách ly tại nơi cư trú.
Bên cạnh đó, ngành y tế đã có văn bản gửi Bộ Tư lệnh Biên phòng và các địa phương có đường biên giới tăng cường công tác giám sát chặt chẽ hơn nữa việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không chỉ đường bộ mà cả đường thủy. Ban chỉ đạo các tỉnh cần tuyên truyền, vận động bà con không nên trốn, nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Nếu có nhu cầu về nước cần có đơn trình bày để Ban chỉ đạo Quốc gia phê duyệt, tổ chức đón và đưa đi cách ly theo quy định để đảm bảo an toàn cho chính người nhập cảnh và cộng đồng.
Đánh giá về nguy cơ lây nhiễm của đợt dịch lần này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: "Do tình hình dịch trên thế giới còn diễn biến phức tạp, đã xuất hiện những chủng mới. Việt Nam đang là vùng trũng của dịch bệnh, khó có thể tránh khỏi nguy cơ một số đối tượng nhập cảnh trái phép. Bên cạnh đó Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân từ vùng dịch về nước. Chúng ta vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch nên vẫn phải chấp nhận để chuyên gia, nhà quản lý, người lao động tay nghề cao ở nước ngoài đến Việt Nam làm việc".
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế: "TPHCM đến nay đã qua 42 ngày không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan trong công tác phòng chống dịch. Nguy cơ xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng được Ban chỉ đạo quốc gia đánh giá đang hiện hữu. Tuy nhiên, chúng ta đã có kinh nghiệm ngay từ đầu trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt Việt Nam đã từng bước tiếp cận với vắc xin phòng chống Covid-19 sẽ là nền tảng quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19".
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kêu gọi cộng đồng tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K đã được Bộ Y tế ban hành. Bên cạnh đó cần sẵn sàng tâm lý để tiêm chủng vắc xin theo lộ trình Bộ Y tế đã và đang triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để từng bước khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19.
Trong chuyến công tác tại TPHCM sáng 26/3, đoàn của Bộ Y tế đã kiểm tra hoạt động chích vắc xin Covid-19 cho cán bộ y bác sĩ tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương và công tác cách ly tại một khách sạn ở quận 1. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, công tác đảm bảo an toàn trong tiêm chủng và cách ly tại TPHCM đang được thực hiện tốt, tuân thủ các quy định của Bộ Y tế.
Hiện Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất vắc xin trong nước và sẽ sớm đi vào sử dụng. Đây là nguồn lực quan trọng để chủ động phòng dịch cho nhân dân, không phụ thuộc vào nước ngoài. Trước mắt, Việt Nam đã tiếp cận với nhiều nguồn vắc xin khác nhau để phục vụ cho hoạt động chống dịch, dự kiến trong năm 2021 sẽ có 60 triệu liều tiêm cho nhân dân. Cuộc chiến khống chế và đẩy lùi Covid-19 đang có "vũ khí" quan trọng để quyết định kết quả.