Người Việt đi nước ngoài mắc Covid-19: Liệu có mầm bệnh trong cộng đồng?

Nam Phương

(Dân trí) - Gần đây, một số người Việt khi nhập cảnh Hàn Quốc, Nhật phát hiện dương tính SARS-CoV-2, song xét nghiệm F1 ở trong nước lại âm tính. Theo Bộ Y tế, không tồn tại mầm bệnh trong cộng đồng.

Ngày 25/8, phía Hàn Quốc thông báo anh N.N.C., trú xóm 12, xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, Hà Nam dương tính với SARS-CoV-2. Ngành Y tế Hà Nam đã khoanh vùng, cách ly y tế tại nơi cư trú của người này, lập danh sách F1 (những người tiếp xúc gần) đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào dương tính trong số những người tiếp xúc gần. 

Cụ thể, trước khi bay sang Hàn Quốc, anh N.N.C. sinh sống tại Hà Nội. Anh C. về thăm nhà ở Hà Nam từ ngày 15 đến 20/8 thì bay sang Hàn Quốc lao động. Đến ngày 25/8, anh N.N.C. được Hàn Quốc thông báo dương tính với SARS-CoV-2 cùng với một người quê ở Hải Phòng trên cùng chuyến bay.

Người Việt đi nước ngoài mắc Covid-19: Liệu có mầm bệnh trong cộng đồng? - 1

Hà Nam đã khoanh vùng, cách ly y tế tại xóm 12 xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng ngay khi phía Hàn Quốc thông báo ca dương tính SARS-CoV-2. Ảnh: Đức Văn.

Trước đó, Hải Phòng, Hà Nội cũng nhận được thông báo về công dân Việt Nam khi nhập cảnh tại Nhật và Hàn Quốc có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Riêng trường hợp tại Hà Nội sau đó phía Nhật làm lại xét nghiệm PCR thì cho kết quả âm tính (test tại sân bay là test nhanh). Tất cả các trường hợp F1 của bệnh nhân ở trong nước cũng âm tính. 

Liên quan đến những trường hợp trên, chia sẻ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 mới đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết qua trao đổi với cơ quan đầu mối về kiểm dịch y tế quốc tế của các nước này thì họ sử dụng loại sinh phẩm chẩn đoán nhanh dùng dịch tị họng, độ đặc hiệu là khoảng gần 80%. Tiêu chuẩn xác định ca bệnh Covid-19 của mỗi quốc gia là khác nhau.

“Với Việt Nam, trên tinh thần cảnh giác cao độ, khi được thông báo về các ca dương tính này, chúng ta vẫn coi đây là một trường hợp nhiễm/nghi nhiễm Covid-19, các địa phương phải lập danh sách F1 và xét nghiệm các trường hợp đó”, quyền Bộ trưởng nói.

Chẳng hạn, Hải Phòng đã truy vết F1, xét nghiệm cả kháng nguyên và kháng thể với các trường hợp này đều cho kết quả âm tính. Theo quyền Bộ trưởng điều này cho thấy không tồn tại mầm bệnh trong cộng đồng.

Bộ Y tế cũng đã đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá về trường hợp khó này, nhưng đến nay WHO chưa có đầy đủ dữ liệu để đánh giá.

Đối với các địa phương khác trong trường hợp tương tự, Bộ Y tế yêu cầu truy vết F1 và xét nghiệm cả kháng nguyên, kháng thể các trường hợp này nhằm tìm mầm bệnh trong cộng đồng để bảo đảm an toàn tối đa. Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về tình trạng này.

Chưa có trường hợp nào tái dương tính có thể lây nhiễm trong cộng đồng

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng việc tái dương tính với SARS-CoV-2 là tình trạng bệnh nhân còn sót lại các vật liệu di truyền.

Hiện nay tiêu chuẩn công bố bệnh nhân khỏi bệnh là âm tính ít nhất 3 lần. Bộ Y tế vẫn đề nghị các cơ sở y tế phải tiếp tục theo dõi sức khoẻ bệnh nhân trong một thời gian. Khi về nhà, bệnh nhân cũng cần theo dõi thêm 14 ngày. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối với các bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh.

Đến 6h ngày 29/8, Việt Nam có tổng cộng 1.038 ca mắc Covid-19, trong đó có tới 689 trường hợp do lây nhiễm trong nước. Đặc biệt, số ca lây nhiễm trong nước gia tăng nhanh kể từ đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng từ hôm 25/7. Đến nay đã có 30 trường hợp tử vong.