Người Việt chi bình quân hơn 1,7 triệu đồng/năm cho mua thuốc

Tú Anh

(Dân trí) - Theo dự báo, đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 13 tỷ USD. Năm 2022, tiền thuốc bình quân đầu người đạt khoảng 75 USD (tương đương hơn 1,7 triệu đồng).

Ngày 20/7, tại hội thảo "Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược" do Báo Đầu tư tổ chức, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung và thị trường dược phẩm Việt Nam nói riêng đang gia tăng một cách nhanh chóng, đang có giá trị hơn 20 tỷ USD, chiếm khoảng 6% GDP trong năm 2022. 

Người Việt chi bình quân hơn 1,7 triệu đồng/năm cho mua thuốc - 1

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: Báo Đầu tư).

Thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 45%

Theo dự báo của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan liên quan, con số này sẽ tăng khoảng 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 33,8 tỷ USD vào năm 2030.

Bên cạnh đó, thị trường dược phẩm Việt Nam cũng trên đà tăng trưởng và phát triển rất mạnh, với tổng giá trị khoảng 3,4 tỷ USD vào năm 2015 và lên 7 tỷ USD vào năm 2022, tăng trưởng kép bằng 10,6%, trong đó sản xuất trong nước chiếm khoảng 45% tổng giá trị thuốc điều trị. 

"Dự báo, đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỉ USD. Năm 2022, tiền thuốc bình quân đầu người đạt khoảng 75 USD (tương đương hơn 1,7 triệu đồng)"- bà Ngọc nói.

Theo thống kê, đến nay, Việt Nam có 228 nhà máy sản xuất dược đạt GMP, trong đó có 7 nhà máy sản xuất vaccine và 6 nhà máy sản xuất đóng gói thứ cấp vaccine và 77 nhà máy và sản xuất dược liệu...

Thuốc công nghệ cao chưa được chú trọng 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện các doanh nghiệp mới chủ yếu đầu tư sản xuất thuốc thông thường, ít chú trọng nghiên cứu, sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc phát minh.

Để phát triển hơn nữa tiềm năng ngành dược, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất cung ứng các dược phẩm và dịch vụ y tế; nâng cao năng lực nghiên cứu sản xuất thuốc vaccine, sinh phẩm.

Theo PGS.TS Trịnh Văn Lẩu, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam, thuốc là hàng hóa đặc biệt vì có hàm lượng hoạt chất nhỏ nhưng có tác dụng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Theo PGS Lẩu, để đạt được mục tiêu của Quyết định 376 của Chính phủ, ngành dược cần có cuộc cách mạng về đổi mới sáng tạo và đổi mới tư duy.

"Cần đổi mới công nghệ trồng, chế biến, chiết xuất dược liệu bản địa có giá trị làm nguyên liệu sản xuất thuốc có giá trị kinh tế cao; đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt là các nguyên liệu sản xuất thuốc có hàm lượng nhỏ trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất; cao dược liệu chất lượng cao; nguyên liệu thuốc sinh học; dược chất phóng xạ và tá dược cao cấp...", PGS Lẩu đề xuất.

Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam cũng cần nghiên cứu công nghệ sản xuất các dạng bào chế đặc biệt như dạng thuốc giải phóng có kiểm soát, thuốc tác dụng tại đích trong điều trị ung thư, thuốc tiêm đông khô….; đổi mới thể chế chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, vaccine, sinh phẩm y tế...

Các đại biểu đánh giá, Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là kim chỉ nam cho các ngành, trong đó có ngành y tế.