Người trẻ mê "chữa lành" và nỗi lo thêm vết rách
(Dân trí) - Trào lưu "chữa lành" vẫn đang rầm rộ trong giới trẻ. Thế nhưng không ít người chữa lành khi chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa và vô tình làm rách thêm những "vết thương" mới.
Muôn kiểu "chữa lành" của giới trẻ
Minh Tuấn (tên nhân vật đã được thay đổi), 20 tuổi, sống ở Hà Nội cho biết mình thường đi cà phê tới hơn 20 lần trong một tháng.
Là sinh viên đại học năm cuối, Tuấn ở trường từ sáng tới trưa, chiều đi làm thêm, tối tiếp tục chạy deadline tới khuya. Phải giải quyết khối lượng lớn công việc trong một ngày, cậu cảm thấy luôn muốn tìm những "nốt lặng", để cân bằng cuộc sống và giúp tinh thần thoải mái hơn.
Tuấn cho hay, bản thân thường đi cà phê vào khoảng thời gian "xen kẹt" giữa những hoạt động trong ngày.
"Tôi hay tranh thủ những lúc sau ca học hoặc sau ca làm để đi cà phê, thi thoảng sẽ rủ thêm một hai người bạn tới cùng trò chuyện. Có những ngày tôi sẽ đi cà phê vào buổi tối muộn", Tuấn chia sẻ.
Sau mỗi lần như thế, cậu sinh viên nói mình cảm thấy được "chữa lành". Việc đi cà phê để chữa lành trở thành hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống của Tuấn. Nếu lâu không được đi, cậu lại cảm thấy khó chịu, bứt rứt.
"Việc đầu tiên tôi nghĩ tới mỗi lúc công việc quá tải hoặc gặp phải vấn đề "nặng đầu" là đi cà phê. Khoảng thời gian được gác lại mọi thứ, dù chỉ 30 phút, giúp tôi giải tỏa căng thẳng hiệu quả", Tuấn mô tả.
Là một biện pháp giải tỏa stress hữu hiệu, thế nhưng, cậu sinh viên cũng thừa nhận mặt trái của việc liên tục đi chữa lành.
"Theo thời gian, tần suất của những buổi cà phê chữa lành lại tăng lên. Mới năm trước, một tuần tôi chỉ cần đi cà phê 2-3 buổi là đã đủ để xả stress. Thế nhưng gần đây, có tuần ngày nào tôi cũng phải đi chữa lành, nếu không sẽ rất nặng đầu", Tuấn bộc bạch.
Cậu sinh viên năm cuối cho biết, mình đang tập cai dần thói quen "cứ hở ra là đi chữa lành", khi nhận thấy việc này đang gây ra những tác động tiêu cực.
Nam thanh niên tự nhận thấy khả năng chịu áp lực của mình ngày càng kém đi. Khi đối mặt với vấn đề hay thử thách lớn, thay vì tập trung tìm cách giải quyết, Tuấn lại có xu hướng tạm gác sang một bên hoặc né tránh.
Cố gắng làm quần quật, dành dụm để cuối năm "chữa lành" một thể. Đó là phương châm sống của Thu Ngân (tên nhân vật đã được thay đổi), một nhân viên văn phòng tại Hà Nội.
Khác với Tuấn, Ngân lại chữa lành bằng cách mỗi năm tự thưởng cho mình một chuyến du lịch thật hoành tráng.
Mỗi chuyến du lịch kéo dài ít nhất một tuần. Ngân thường lựa chọn những địa điểm ở xa như Phú Quốc hay thậm chí là Thái Lan, Hàn Quốc. Cô cũng "tự thưởng" cho mình dịch vụ nghỉ dưỡng và ăn uống cao cấp.
Kinh phí cho mỗi chuyến đi thường bằng một tháng lương. Do đó, mỗi tháng, Ngân phải tiết kiệm 10% thu nhập của mình chỉ riêng cho chuyến du lịch mỗi năm một lần này. Điều này cũng đòi hỏi cô phải "thắt lưng buộc bụng".
"Ngày thường tôi luôn tự nhắc mình cần tiết kiệm hết mức. Tôi cũng từ chối bớt những cuộc gặp với bạn bè, đồng nghiệp", Ngân nói thêm.
Tuy nhiên nữ nhân viên văn phòng nhấn mạnh, điều này hoàn toàn xứng đáng. Cô nói chỉ cần một chuyến đi như vậy sẽ giúp "sạc đầy pin" sau một năm làm việc đến cạn kiệt năng lượng.
"Tôi thường rất mong chờ những chuyến đi mỗi năm một lần như vậy. Mỗi chuyến đi đều cho tôi những trải nghiệm đẹp. Một tuần sống trong một cuộc sống sang xịn hơn thường ngày, giúp tôi giải tỏa được những căng thẳng trong công việc", Ngân nói.
Sau mỗi chuyến đi, Ngân thường mất một tháng để quay trở lại quỹ đạo, khi công việc tại cơ quan dồn lại trong một tuần cô nghỉ phép.
"Tôi thường nói đùa đó là những giai đoạn khủng hoảng hậu chữa lành, khi vừa phải đối mặt với những xáo trộn trong công việc, vừa "rỗng túi" sau chuyến du lịch. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản việc tôi tiếp tục có một chuyến du lịch chữa lành vào năm tới", Ngân nói.
Người trẻ "sống vội", chữa lành là nhu cầu tất yếu
Từ khóa "chữa lành" đang rất thịnh hành trong giới trẻ Việt. Chữa lành (healing) được định nghĩa là quá trình phục hồi về mặt tinh thần, cảm xúc và thể chất. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực và căng thẳng, khái niệm này ngày càng trở nên phổ biến, nhất là đối với giới trẻ.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, nhiều bạn trẻ đang lạm dụng hoặc lạc lối trong việc chữa lành, gây phản tác dụng.
Theo TS.BS Ngô Thị Thanh Hương, Viện Ứng dụng công nghệ Y tế, các bạn trẻ thường bị cuốn theo các hoạt động hàng ngày, với khối lượng công việc dày đặc, chạy deadline liên tục.
Cuộc sống vội thời 4.0 khiến thời gian cho bản thân thực sự nghỉ ngơi không nhiều, dẫn tới việc gặp phải những áp lực, căng thẳng là điều vô cùng phổ biến.
Số liệu của Bộ Y tế chỉ ra, tỉ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là gần 15 triệu người bị ảnh hưởng. Trong đó, tâm thần phân liệt chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm 5-6% dân số; còn lại là rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy, chất gây nghiện khác.
BS Hương phân tích, chữa lành hiểu đơn giản là nhu cầu tất yếu của cơ thể và rất tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày, thể hiện cách đối diện với những vấn đề liên quan tới áp lực của mỗi cá nhân.
"Chữa lành là cơ chế tự nhiên trong cơ thể, còn áp lực là nhân tố luôn hiện hữu, song không phải ai cũng có thể đối diện và vượt qua chúng một cách dễ dàng.
Các hoạt động chữa lành có thể hiểu là hoạt động giúp cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn sau một khoảng thời gian căng thẳng và mệt mỏi. Ví dụ như làm những công việc bản thân yêu thích, đọc sách, nghe nhạc, tập luyện thể thao, du lịch...", BS Hương chỉ rõ.
Không chờ "rách" mới đi chữa lành
Ở người trẻ hiện nay, áp lực xuất hiện từ nhiều yếu tố như công việc, gia đình, các mối quan hệ... Những điều ấy không được suôn sẻ sẽ tạo ra kích thích lên cơ thể, khiến cho các bạn bị căng thẳng, tạo ra những cảm xúc tiêu cực.
Từ đó, các bạn tìm tới chữa lành như một phương pháp để cân bằng những khía cạnh đó trong cuộc sống.
Tuy nhiên, những hiểu lầm về ý nghĩa khiến việc chữa lành của một số bạn trẻ không thực sự hiệu quả, ngược lại để lại những hệ quả to lớn.
"Việc tạm dừng công việc để đi chơi, đi du lịch chữa lành là điều bình thường và hoàn toàn cần thiết, trong tâm lý học gọi là hành động tạm né tránh các kích thích, song không thể tránh được mãi", BS Hương nói.
Theo chuyên gia này, con người luôn gặp phải những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, điều quan trọng là cần phải nhận diện ra được và có giải pháp để tiếp cận, giải quyết những căng thẳng đó một cách phù hợp.
Một trong những nguyên nhân gây nên vòng lặp áp lực và chữa lành ở một số bạn trẻ đó là do các bạn sống nhanh và quá vội vã, nên chưa biết lắng nghe và quan sát cơ thể để thực sự thấu hiểu bản thân mình và dành thời gian cho nó.
BS Hương cũng dẫn ra một số dấu hiệu của cơ thể khi gặp kích thích có thể dễ dàng nhận thấy như: Khó ngủ, ăn không ngon, thường xuyên mệt mỏi, thiếu tỉnh táo, mất tập trung, hay quên…
Tuy nhiên, các bạn trẻ thường không nhận ra những dấu hiệu đó của cơ thể, mà để cho áp lực và những cảm xúc tiêu cực dồn nén quá lâu.
Đến khi nó gây ra những hậu quả đối với sức khỏe thể chất rồi mới tìm cách để giải tỏa. Điều đó khiến cho hành động chữa lành không thực sự hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân khác khiến các vấn đề đó ở giới trẻ trở nên nghiêm trọng là các bạn không có sự hỗ trợ kịp thời, khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu đáng báo động. Thường các bạn chỉ tìm đến sự hỗ trợ khi đã có những rối loạn và ảnh hưởng đến hoạt động chức năng như lao động, học tập, sinh hoạt hàng ngày.
Bên cạnh đó, BS Hương cũng nêu thực trạng, nhiều người đặt kỳ vọng rất lớn sau một chuyến đi là có thể chữa lành, giải tỏa hết căng thẳng đang gặp phải, thế nhưng sự việc không đơn giản như vậy.
Để giải tỏa stress, cần một kế hoạch dài hạn và cụ thể, thay vì trông mong mọi vấn đề có thể thay đổi 180 độ chỉ sau một chuyến du lịch.
Người trẻ cần giữ bản thân không vượt ngưỡng
Chữa lành không phải khi cơ thể có những dấu hiệu báo động mới thực hiện, mà chúng ta luôn phải ý thức cần dừng lại đúng lúc, dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân.
BS Hương cho rằng, các bạn trẻ nên quan tâm và chú trọng nhiều hơn tới sức khỏe tinh thần của mình, bằng cách xây dựng những lối sống lành mạnh cho bản thân như tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, tổ chức và sắp xếp công việc phù hợp. Không nên cuốn mình vào công việc mà bỏ bê bản thân.
Đồng thời, các bạn trẻ cũng cần học các kỹ năng để nhận diện các căng thẳng/áp lực và kiểm soát cảm xúc, phản ứng của cơ thể, để có thể thích nghi và ứng phó hiệu quả với những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
"Hiện nay, các hoạt động, dịch vụ chữa lành ngày một phổ biến và được chú trọng. Tuy chữa lành là cơ chế tự nhiên của cơ thể khi gặp phải kích thích, nhưng để hiệu quả thì cần có thời gian, và được rèn luyện thường xuyên", BS Hương cho hay.
Điều quan trọng là mỗi cá nhân cần tìm ra phương pháp phù hợp nhất với hoàn cảnh và nhu cầu của mình. Mục tiêu cuối cùng vẫn là giữ cho tâm hồn và cơ thể luôn được cân bằng và khỏe mạnh", BS Hương nhấn mạnh.