Người tiểu đường có thể ăn trái cây ngọt?
(Dân trí) - Hỏi: Đường trong hoa quả có làm tăng insulin như các loại đường khác không?
Carbs trong thức ăn hoặc đồ uống chứa carbonhydrate được chuyển hóa thành đường glucose sau khi ăn, rồi ngấm trực tiếp vào máu. Khi lượng đường trong máu cao, tuyến tụy sản xuất hoóc-môn insulin, phát tín hiệu cho các tế bào hấp thụ glucose để chuyển hóa luôn thành năng lượng hoặc dự trữ đường trong gan và các mô cơ, phục vụ cho quá trình chuyển hóa sau này. Liên tục ăn loại thực phẩm này khiến tuyến tụy phải hoạt động quá công suất do đường huyết trong máu tăng. Sau 1 thời gian, cơ thể kháng cự lại insulin, làm tăng nguy cơ tiểu đường loại 2.
Thực phẩm ngũ cốc tinh chế như bánh mỳ trắng, bánh quy thường có ít xơ, chứa hàm lượng lớn carbohydrate, dễ dàng được chuyển hóa thành đường glucose, làm tăng nồng độ insulin. Carbohydrate dưới dạng lỏng (nước soda có đường…) khiến quá trình giải phóng đường vào máu diễn ra càng nhanh.
Không đơn giản như thêm xơ vào thức ăn tinh bột hay nước soda, chất lượng và dạng vật chất của carbohydrates rất quan trọng, do đó thực phẩm tươi bổ dưỡng hơn thức ăn chế biến. Tương tự, trái cây tươi có giá trị hơn hơn nước trái cây: nước trái cây có thể chứa xơ, nhưng một phần xơ này sẽ bị phá hủy trong quá trình ép, làm giảm giá trị dinh dưỡng.
Để hạn chế sự gia tăng insulin đến mức tối thiểu, Tiến sỹ David Ludwig của Viện nhi Boston khuyên chúng ta nên ăn cả quả trái cây. Bằng cách này, thành tế bào của trái cây được giữ nguyên, đường được cô lập một cách hiệu quả trong khung xơ của tế bào, khiến hệ tiêu hóa cần nhiều thời gian hơn để phá vỡ những tế bào này, nhờ đó mà phát huy tối đa tác dụng của chất xơ.
Bốn quả táo chứa hàm lượng đường gần bằng 700ml soda, nhưng quá trình giải phóng đường trong táo chậm hơn nhiều lần so với đường trong nước soda, làm giảm nguy cơ tăng đường huyết trong máu. Do đó mà Tiến sỹ Ludwig kết luận: “Trong dinh dưỡng, chỉ nhìn vào lượng đường trong thức ăn là không đủ, mà còn cần phải nhìn vào loại thực phẩm tiêu thụ”.
Phương Anh