Người phụ nữ mắc 2 bệnh ung thư
(Dân trí) - Tháng 3/2016, tôi bị ung thư đại tràng trái, cắt bỏ 20cm, giải phẫu bệnh T3N2M0. Bác sĩ cho truyền 8 lần hóa chất, sau đó phải đổi thuốc thì không hợp. Truyền được 3 lần thì sức khỏe của tôi rất xấu.
Chân tay tôi tê bì, người yếu, phải di chuyển bằng xe lăn. Vì không đủ sức để vào hóa chất nên bác sĩ cho dừng lại và không dùng loại thuốc gì.
Tháng 6/2918, tôi lại bị ung thư vú, phải phẫu thuật. Bác sĩ cho truyền 6 lần hóa chất, 18 lần điều trị đích và xạ 25 lần.
Tháng 1/2020, tôi lại phát hiện khối u phổi trái, được chỉ định mổ và cắt u phổi, cắt thùy trên u phổi trái và xác định do u đại tràng di căn. Tôi được truyền tiếp 12 lần hóa chất và kết thúc vào tháng 6/2020.
Tháng 8, tôi bị phù tay voi nên bác sĩ chuyển xuống vật lý trị liệu. Sau cách 3 tháng, tôi đi khám định kỳ một lần. Lần khám định kỳ gần đây nhất, kết quả chụp CT phổi có nhiều nốt vôi hóa, xơ hóa thùy giữa của phổi phải và thùy trên của phổi trái. Kết quả siêu âm có u máu ở gan phải, gan nhiễm mỡ, siêu âm ngực thì vết mổ nách còn nhiều dịch.
Tôi chưa được bác sĩ chỉ định dùng thuốc gì. Bản thân tôi vừa bị ung thư đại tràng vừa bị ung thư vú, ung thư đại tràng đã di căn phổi.
Tôi rất hoang mang, muốn được bác sĩ tư vấn cho tôi sử dụng loại thuốc như thế nào cho phù hợp? Tôi rất lo lắng về sức khỏe của mình. (Thanh Nhuận, 66 tuổi, Hà Nội)
PGS.TS Vũ Hồng Thăng, Bệnh viện K Trung ương: Không may là bác mắc 2 bệnh ung thư cùng lúc, cả ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Với ung thư vú, các bác sĩ đã phẫu thuật sau đó là hóa chất, điều trị đích. Tôi hiểu là ở đây bác có khuếch đại một gen gọi là Her 2 với phác đồ điều trị như thế này, bác hoàn toàn yên tâm là một phác đồ chuẩn mực cho bệnh ung thư vú.
Còn về ung thư đại trực tràng đã vào phổi, các bác sĩ đã cắt khối di căn vào phổi, cắt được tổn thương đó là khỏi vì chúng ta không phát hiện thêm tổn thương di căn.
Bác nên yên tâm tiếp tục vật lý trị liệu, đặc biệt là chọc hút dịch ở nách bị viêm, chế độ ăn uống điều trị làm sao để giảm gan nhiễm mỡ. Bác nên tập vật lý trị liệu, tập thở vì phổi đã cắt, ảnh hưởng chức năng hô hấp.
Về nguy cơ, hiện nay đáng ngại hơn là ung thư đại trực tràng vì di căn phổi, nó có nguy cơ tái phát tiếp ở đâu đó vào một thời gian nào đó. Tuy nhiên, hiện nay rất tiếc khoa học chưa có loại thuốc nào uống vào để bệnh nhân không bị tái phát, di căn.
Vì thế, chúng ta phải ăn uống lành mạnh, ăn hạn chế chất béo, ăn nhiều chất xơ, tập thể dục thể thao. Điều này giúp nguy cơ bị ung thư, tái phát ung thư giảm đi. Đặc biệt bác nên thể dục bằng đi bộ, ăn uống tâm lý thoải mái, tăng cường vitamin như vitamin A…