Người phụ nữ 2 năm không ra khỏi nhà tiêm kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19

Hoàng Lê

(Dân trí) - Hai người Việt Nam đầu tiên vừa được tiến hành tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld ngừa Covid-19. Trong đó, có một trường hợp suốt 2 năm trời không ra khỏi nhà.

Bà Nguyễn Thị Phiên (76 tuổi, ngụ phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM) là một trong những người đầu tiên tại Việt Nam nhận được tin nhắn mời tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld. Bà bị tăng huyết áp, tiểu đường, vảy nến, viêm đa khớp, rối loạn tiền đình, dị ứng nặng, không tiếp nhận được nhiều loại vitamin bằng cả đường ăn uống nên không tiêm được vaccine Covid-19.

"Hai năm qua, tôi chỉ ở trong phòng ăn uống một mình, đến nói chuyện với con cháu ngay trong nhà cũng phải qua điện thoại vì sợ lây nhiễm bệnh, rất khổ sở" - bà Phiên nói.

Lần đầu tiên ra khỏi nhà sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, bà Phiên được bác sĩ khám sàng lọc, đánh giá tình trạng sức khỏe và đáp ứng đủ điều kiện tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld dự phòng Covid-19.

Ngay sau khi cụ bà ký vào phiếu đồng thuận, việc tiêm ngừa đã được thực hiện.

Người phụ nữ 2 năm không ra khỏi nhà tiêm kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19 - 1

Bà Phiên được kiểm tra sức khỏe sau khi tiêm kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19 (Ảnh: BVCC).

Còn tại Hà Nội, ông Lê Viết Dũng (67 tuổi) là người đầu tiên tại địa phương này tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld ngừa Covid-19, khi đã đăng ký từ trước. Ông Dũng có tiền sử can thiệp mạch vành, suy tim và sức khỏe yếu, nên phải nhờ sự hỗ trợ của xe lăn để có thể di chuyển tới khu vực tiêm.

"Sau mũi tiêm vaccine Covid-19 lần thứ nhất vài ngày, tôi bị ngất xỉu phải nhập viện, bác sĩ nghi ngờ đó là phản ứng phụ sau tiêm. Từ đó đến nay tôi vẫn chưa thể tiêm thêm mũi vaccine nào", ông Dũng nhớ lại.

Vì chưa hoàn thành đủ liều tiêm cơ bản, ông Dũng gần như không dám ra khỏi nhà. Khi số ca bệnh bùng phát mạnh tại Hà Nội, người đàn ông ngày càng lo lắng, tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề. Sau khi được tiêm kháng thể đơn dòng, tinh thần của ông đã thoải mái hơn rất nhiều.

Người phụ nữ 2 năm không ra khỏi nhà tiêm kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19 - 2

Ông Dũng phải ngồi xe lăn để đến bệnh viện tiêm kháng thể đơn dòng (Ảnh: BVCC).

PGS.TS.BS Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn tại bệnh viện nhập kháng thể đơn dòng Evusheld về Việt Nam cho biết, ước tính khoảng 2% dân số toàn cầu thuộc nhóm bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng như HIV, ung thư, ghép tạng, dùng corticoid liều cao... cần lá chắn bảo vệ trước Covid-19, khi không thể tiêm hoặc đã tiêm vaccine nhưng không sản sinh đủ kháng thể để chống lại SARS-CoV-2.

Việc tiêm Evusheld ít xảy ra tác dụng phụ, nếu có thường rất nhẹ như đau đầu, mệt mỏi, ho… Dù vậy sau tiêm, khách hàng sẽ được ở lại theo dõi từ 45-60 phút, được cấp giấy xác nhận tiêm và phiếu hướng dẫn theo dõi sau tiêm tại nhà, kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp, đo SpO2… ổn định trước khi ra về.

Người phụ nữ 2 năm không ra khỏi nhà tiêm kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19 - 3

Theo Bộ Y tế, Evusheld không được phép sử dụng để dự phòng Covid-19 cho các đối tượng có thể tiêm vaccine (Ảnh: BVCC).

Với những trường hợp không đủ điều kiện tiêm hoặc không có nhu cầu tiêm nữa sẽ được làm các thủ tục, giấy tờ… để hoàn lại toàn bộ chi phí đã thanh toán trước đó theo quy định.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thông tin, bản chất của Evusheld gồm một liều kháng thể đơn dòng tixagevimab và một liều kháng thể đơn dòng cilgavimab.

Việc sử dụng thuốc phải được bác sĩ đánh giá thỏa đáng, thông qua sàng lọc chặt chẽ, trước khi được xác định là đối tượng sử dụng phù hợp.

Evusheld không được phép sử dụng để dự phòng Covid-19 cho các đối tượng có thể tiêm vaccine.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm