1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người nhà tự mua thuốc trị đau đầu, bệnh nhi co giật hôn mê

(Dân trí) - Thấy con than đau đầu, sốt cao, người mẹ ra hiệu thuốc tây khai bệnh lấy thuốc về điều trị. Đến ngày thứ 5 của bệnh, bé trai bị co giật, lơ mơ rơi vào hôn mê, bác sĩ xác định, bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản.

Đó là trường hợp của bệnh nhi Điểu D. (7 tuổi, ngụ tại Bình Phước) được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM. Thông tin từ chị Thị B. (mẹ bệnh nhi) cho hay, khoảng 4 ngày trước khi nhập viện, cậu bé thường xuyên than đau đầu, mệt, có biểu hiện sốt, ói liên tục. Tuy nhiên, người mẹ chủ quan cho rằng con mình đi ngoài nắng nhiều nên chỉ bị cảm sốt thông thường, sẽ tự khỏi.

Người nhà tự mua thuốc trị đau đầu, bệnh nhi co giật hôn mê - 1

Bệnh nhi phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì mắc viêm não Nhật Bản

Nhưng đến ngày thứ 5 của bệnh, tình trạng đau đầu ngày càng nặng, bé sốt cao hơn. Thay vì đưa con đến bệnh viện, người mẹ đã ra tiệm thuốc tây, khai bệnh rồi mua thuốc về cho con uống để điều trị cảm sốt. Sau uống thuốc được một ngày, bệnh chẳng những không thuyên giảm mà ngày càng nặng, câu bé lơ mơ, co giật… gia đình tá hỏa vội đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi thăm khám, xét nghiệm ban đầu các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị nhiễm trùng, được điều trị kháng sinh chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM.

BS Huỳnh Ngọc Thiện Vương, khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Trẻ em cho biết: Khi vào viện, tri giác bệnh nhi rất xấu (khoảng 6/15 điểm) bé rơi vào hôn mê sâu. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, chụp CT-Scan, chọc dịch não tủy kiểm tra tác nhân gây bệnh. Kết quả xác định bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản. Sau 3 tuần điều trị nội khoa tích cực, tình trạng viêm não đã được kiểm soát nhưng tri giác bệnh nhi vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Có thể bệnh nhi đã bị di chứng, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thần kinh, vận động.

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng của não do vi rút gây ra với các triệu chứng thường gặp gồm nhức đầu, nôn ói, sốt, lú lẫn và co giật. Tình trạng này xảy ra khoảng 5 đến 15 ngày sau khi nhiễm. Bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30%, những ca may mắn qua được nguy kịch, tỷ lệ di chứng cũng chiếm khoảng 50%. Để hạn chế nguy hiểm đến tính mạng cũng như chất lượng sống của người bệnh, bác sĩ khuyến cáo khi trẻ có các biểu hiện (đã nêu ở trên) người nhà cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Người nhà tự mua thuốc trị đau đầu, bệnh nhi co giật hôn mê - 2

Bác sĩ khuyến cáo viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm, cộng đồng nên chủ động phòng ngừa

Thống kê sơ bộ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới từ đầu năm đến nay, tại đây đã tiếp nhận, điều trị cho hơn 20 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Đây là loại bệnh thường xuất hiện ở khu vực ngoại thành hoặc vùng nông thôn bởi nguồn chứa vi rút gây bệnh chủ yếu trên lợn (heo) và chim hoang. Vi rút viêm não Nhật Bản lây sang người qua vật chủ trong gian là loài muỗi culex (còn gọi là muỗi ruộng). Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường tăng cao vào các tháng mùa hè, thời điểm chim di trú và cũng mùa có điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Hiện bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người mắc bệnh sẽ được điều trị triệu chứng để giúp cơ thể vượt qua giai đoạn nguy kịch. Tuy nhiên bệnh đã có vắc xin dự phòng, đã được sử dụng phổ biến, mang lại hiệu quả phòng bệnh cao. Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng khá rẻ tiền được bác sĩ khuyến cáo là 1 trong 10 loại vắc xin quan trọng cần chích ngừa cho trẻ.  

Các bậc phụ huynh cần lưu ý việc chủng ngừa mũi thứ nhất của bệnh viêm não Nhật Bản được thực hiện khi trẻ được 12 tháng tuổi trở lên (người trưởng thành cũng cần chích); mũi hai chích sau mũi đầu 1 tháng; mũi thứ ba sau mũi thứ hai 12 tháng. Ở nhóm bệnh nhi sau 3 đến 4 năm cần tiêm nhắc một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Ngoài ra, cộng đồng cần chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, ngủ mùng, không để bị muỗi đốt.

Vân Sơn