TPHCM:

Người mẹ mang thai "lạc chỗ" cực hiếm dù đã đặt vòng, tỷ lệ tử vong rất cao

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cho biết, tình trạng cực hiếm gặp của người phụ nữ có tỷ lệ tử vong mẹ cao gấp 8 lần thai ngoài tử cung ở vòi trứng. Bệnh nhân không hiểu vì sao đã đặt vòng nhưng vẫn có thai.

Ngày 10/5, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận điều trị cho một trường hợp mang thai lạc chỗ cực kỳ hiếm gặp.

Bệnh nhân là chị Đ.T.C.T. (32 tuổi). Trước đó, chị T. từng sinh mổ vào năm 2020, sau đó ngừa thai bằng phương pháp đặt vòng tránh thai ở tử cung.

Một tháng qua, chị bị ra huyết âm đạo kéo dài. Gần đây, chị cảm thấy bụng dưới đau âm ỉ, nên đi khám ở cơ sở y tế địa phương và phát hiện có thai, tuy nhiên bác sĩ không xác định được vị trí khối thai. Chị được bác sĩ lấy vòng tránh thai và hẹn tái khám sau 1 tuần.

Nhưng chỉ ít ngày sau, chị T. ra huyết và đau bụng nhiều hơn. Ở bệnh viện tuyến tỉnh, chị được xét nghiệm máu, siêu âm nghi ngờ thai ngoài tử cung ở vòi trứng. Lúc này, bệnh nhân được khuyên lên tuyến trên để mổ bảo tồn vòi trứng.

Chiều 7/5, bệnh nhân vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Từ Dũ. Tiến hành khám, kiểm tra, xét nghiệm máu và siêu âm, bác sĩ nghi ngờ đây là một trường hợp thai ngoài tử cung trong ổ bụng cực hiếm gặp. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ beta HCG (một hormone do bánh nhau sản xuất) rất cao, lên đến hơn 10.000 mUI/mL. Kết quả siêu âm cho thấy khối thai của bệnh nhân rất to, với phôi thai dài 10mm, không có tim thai.

Người mẹ mang thai lạc chỗ cực hiếm dù đã đặt vòng, tỷ lệ tử vong rất cao - 1

Khối thai lạc chỗ của người phụ nữ qua hình ảnh siêu âm (Ảnh: BV).

Ekip trực nhanh chóng hội chẩn và lên kế hoạch phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân lúc 18 giờ cùng ngày. Quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện một khối thai to khoảng 7 tuần bám sâu vào vách chậu bên trái.

Các phẫu thuật viên phải rất cẩn trọng để tránh làm tổn thương các mạch máu, niệu quản trong lúc cắt bỏ khối thai, đồng thời phải cầm máu qua nội soi tốt, giảm tối đa lượng máu mất đi. Sau 2 giờ, ca phẫu thuật hoàn thành và bệnh nhân không cần phải truyền máu. Hiện tại, chị T. đã có thể tự đi lại được, ăn uống bình thường, không sốt, vết mổ khô và hầu như không còn đau đớn.

Theo các bác sĩ, thai trong ổ bụng là một dạng rất hiếm gặp của thai ngoài tử cung, với tần suất dao động từ 1/10.000 đến 1/30.000 thai kỳ, chiếm khoảng 1% trường hợp thai ngoài tử cung. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong mẹ của tình trạng này cao gấp 8 lần thai ngoài tử cung ở vòi trứng.

Chẩn đoán thai ở vị trí này thường dễ bị bỏ sót, cho đến khi có biến chứng như vỡ, xuất huyết nội, hoặc chỉ được phát hiện trong lúc mổ thám sát tình trạng bụng ngoại khoa. Nếu khối thai vỡ, khả năng mất máu lượng lớn rất cao và bệnh nhân có nguy cơ rơi vào sốc.

Do đó, bệnh nhân cần được phẫu thuật để cắt bỏ khối thai, tránh chảy máu không cầm được hoặc tổn thương nội tạng. Việc phát hiện thai ở giai đoạn càng sớm, khả năng mổ thành công càng cao và tỷ lệ tai biến càng thấp.

Người mẹ mang thai lạc chỗ cực hiếm dù đã đặt vòng, tỷ lệ tử vong rất cao - 2

Sau ca mổ lấy thai kịp thời, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định (Ảnh: BV).

Trước thắc mắc của bệnh nhân về việc vì sao đặt vòng nhưng vẫn có thai, và phương pháp ngừa thai nào mới phù hợp, bác sĩ điều trị cho biết, mỗi phương pháp ngừa thai đều có tỷ lệ thành công và thất bại. Hiện tại, không có cách ngừa thai nào có tỷ lệ thành công 100%.

Bác sĩ khuyến cáo, sau khi đặt vòng, chị em cần tái khám phụ khoa định kỳ mỗi năm, kiểm tra vị trí vòng để đảm bảo khả năng ngừa thai cao nhất. Khi có bất thường hành kinh khi đang đặt vòng, bạn nên đi khám ngay để loại trừ khả năng có thai hoặc tìm nguyên nhân khác.

Nếu đã thất bại với một biện pháp ngừa thai, chị em nên được tư vấn sử dụng một biện pháp ngừa thai khác phù hợp hơn.