Người khai sinh phương pháp IVF được nhận giải Nobel
(Dân trí) - Giải Nobel y học năm nay được trao cho cá nhân đã tạo ra em bé đầu tiên trong ống nghiệm, một kết quả mang đến 4 triệu em bé trên toàn thế giới và làm gia tăng những thách thức với những câu hỏi mới về khả năng sinh sản của con người.
Edwards bên 2 em bé chào đời nhờ phương pháp IVF năm 1998
Robert Edwards là người Anh và hiện là giáo sư của ĐH Cambridge. Ông hiện 85 tuổi và đang tiếp tục chứng kiến những kết quả không ngừng mở rộng từ nghiên cứu gây tranh cãi của ông.
“Hôm nay, giấc mơ của Robert Edwards đã trở thành hiện thực và mang lại niềm vui sướng cho những người vô sinh trên toàn thế giới”, đại diện Ủy ban Nobel cho biết cho biết tại Stockholm.
Louise Brown là em bé được tạo ra từ ống nghiệm đầu tiên chào đời ngày 25/7/1978 sau khi bố mẹ em đã cố gắng suốt 9 năm trời mà không thể có con.
Em bé đầu tiên chào đời nhờ phương pháp IVF
Với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (gọi tắt là IVF), một quả trứng lấy từ người mẹ sẽ được “sống chung” với tinh trùng trong điều kiện của phòng thí nghiệm. Khi sự thụ tinh diễn ra và hợp tử phân chia được 4-5 ngày thì sẽ được cấy vào tử cung của người mẹ. Ngày nay, tỷ lệ thành công của phương pháp này là khoảng 20%, gần giống với tỉ lệ thụ thai tự nhiên.
Edwards và người cùng nghiên cứu Patrick Steptoe (ông đã mất năm 1988) đã phải đối mặt với những phản đối gay gắt từ phía tôn giáo khi bị coi là sự sai trái về mặt đạo đức; chính phủ cho rằng việc hạn chế khả năng sinh sản quan trọng hơn điều trị vô sinh; một số nhà khoa học thì lo lắng về sự an toàn của phôi thai.
“Nhìn lại quá trình này, thật sự ngạc nhiên khi Edwards không chỉ đáp lại bằng cách tiếp tục phương pháp bị chỉ trích đó mà còn cực kỳ bền bỉ và chuyên tâm vào con đường mình đã chọn”, đại diện Ủy ban Nobel nhấn mạnh.
Edwards hiện vẫn còn sống nhưng không còn minh mẫn để có thể trả lời phỏng vấn
Hiện nay, chúng ta vẫn còn tiếp tục con đường của ông khi giải quyết các vấn đề nảy sinh như:
- Có thực sự thích hợp khi dùng tế bào gốc từ phôi – phôi thai được tạo ra từ phương pháp thụ tinh ống nghiệm? Một số người phản đối vì điều đó có nghĩa là phôi sẽ bị phá hủy để có được tế bào.
- Liệu những người phụ nữ hiến trứng có được trả công? Theo Đức cha Ignacio de Paula Carrasco, người phụ trách về Đạo đức sinh học chính thức của Vatican, cho rằng Edwards đã mở ra “một chương mới và quan trọng trong lĩnh vực sinh sản của con người”. Nhưng ông cũng cho biết IVF chịu trách nhiệm cho việc phá hủy phôi và tạo ra một “thị trường” trứng – tinh trùng.
- Có nên đưa ra giới hạn tuổi tác đối với những phụ nữ muốn áp dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm? Năm 2006 đã có 1 phụ nữ Tây Ban Nha trở thành mẹ ở tuổi 67. Nhiều phản ứng đang tiếp tục khi người mẹ này qua đời chỉ 2 năm sau đó.
Mặc dù vậy, Edwards nghiên cứu xứng đáng giải Nobel. Điều đáng tiếc duy nhất là người cộng sự cùng ông đã không thể có mặt còn Edwards thì không còn đủ minh mẫn để trả lời phỏng vấn.
Nhân Hà
Theo AP