1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người đi bộ hơn 3km/ngày, đứng lâu quá 2 giờ dễ thoái hóa khớp gối

(Dân trí) - Theo GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, những hoạt động như thường xuyên nâng vật nặng, gấp gối, quỳ, đứng lâu (trên 2 giờ mỗi ngày), đi bộ trên 3km/ngày... là nguyên nhân làm thúc đẩy thoái hóa khớp gối. Một nửa người Việt trên 50 tuổi phải chịu những khó chịu do thoái hóa khớp gối mang lại.

Gặp nhiều ở người lao động nặng

Thông tin trên được GS Ân đưa ra tại Hội nghị khoa học thường niên của Hội Thấp khớp học Việt Nam 2017 tổ chức từ ngày 12-14/5 tại Hà Nội.

Theo GS Ân, tại Việt Nam, Thoái hóa khớp là bệnh lý thường gặp trong các bệnh về khớp, có xu hướng tăng lên do tuổi thọ người Việt được nâng cao đáng kể; hiện có khoảng 50% người trên 50 tuổi đang chịu những tác động tiêu cực của căn bệnh này.

Đi bộ quá nhiều cũng là căn nguyên thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp gối.
Đi bộ quá nhiều cũng là căn nguyên thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp gối.

Đặc biệt thoái hóa khớp gối là phổ biến nhất, do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng có một nguyên nhân mà mọi người thường không lường đến, đó là do đi bộ quá nhiều gây nên. Điều đáng nói, có những người do không hiểu, cứ nghĩ đi bộ càng nhiều càng tốt cho sức khỏe.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hội thấp khớp học Việt Nam cho biết, bệnh thoái hóa khớp tăng theo tuổi tác và thời gian, phụ thuộc vào tính chất nghề nghiệp, trong đó thoái hóa khớp là gặp nhiều nhất.

“Với thoái hóa khớp gối, tỉ lệ gặp chỉ khoảng 4,9% ở nữ, 4,6% ở nam dưới 26 tuổi. Tuy nhiên tỷ lệ này tăng nhanh ở lứa tuổi 27- 45, với 19,3% ở nữ và 18,6% đối với nam. Còn ở lứa tuổi từ 46 – 60 tỉ lệ bị thoái hóa khớp gối là 50%. Thoái hóa khớp gối gặp 100% ở người trên 90 tuổi”, PGS Lan nói.

Theo PGS Lan, thoái hóa khớp gối gặp nhiều nhất bởi khớp gối là khớp chịu tải, chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố nghề nghiệp, tính chất công việc và các thói quen sinh hoạt. Nghiên cứu của Hội Thấp khớp học Việt Nam cho thấy đa số bệnh nhân thoái hóa khớp gối là người lao động với đặc thù là công việc chân tay (chiếm 80,6%).

Những người làm việc thể lực trực tiếp có thời gian lao động kéo dài, hầu hết hơn 8 tiếng ngày; bệnh nhân có công việc phải mang vác nhiều, đứng lâu nhiều giờ trong ngày, đi bộ nhiều đều có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn người khác.

“Sự tiếp xúc thường xuyên với các stress sinh cơ học như gấp gối, quỳ, đứng lâu ( tên 2 giờ đồng hồ mỗi ngày), đi bộ trên 3km/ngày, thường xuyên nâng vật nặng, liên quan đến nghề nghiệp, công việc là những yếu tố thúc đẩy thoái hóa khớp”, PGS Lan cảnh báo.

Cảnh giác tiếng lục khục, đau khớp khi thay đổi tư thế

GS Ân cho biết, đặc điểm lâm sàng của thoái hóa khớp gối thể hiện rất đa dạng, nhưng gặp nhiều nhất là đau khớp gối khi thay đổi tư thế, lục khục khi cử động khớp chủ động. Tiếp đến là các dấu hiệu cứng khớp, đau khớp gối rất nặng, dáng đi khập khiễng… Nặng hơn nữa bệnh nhân có thêm các dấu hiệu sưng khớp, kẹt khớp, phì đại xương, teo cơ đùi, tràn dịch khớp gối…

Vì thế, hãy thận trọng khi nghe những tiếng lục khục lạ từ khớp gối, những dấu hiệu phổ biến kể trên để đi khám sớm. Khi bị thoái hóa khớp gối, người bệnh chịu những cơn đau rất khó chịu, vì thế GS Ân khuyến cáo mọi người cần điều chỉnh chế độ lao động, sinh hoạt, tập luyện phù hợp để giảm nguy cơ thoái hóa khớp.

GS.TS Trần Ngọc Ân nhận hoa chúc mừng của PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam. Ảnh: H.Hải
GS.TS Trần Ngọc Ân nhận hoa chúc mừng của PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam. Ảnh: H.Hải

Nhất là với đi bộ, đây vốn là bộ môn thể dục tốt cho mọi lứa tuổi, đặc biệt với người lớn tuổi nhưng nếu đi bộ không đúng phương pháp, đi bộ quá nhiều sẽ có nguy cơ thoái hóa khớp gối.

Nếu lựa chọn môn thể dục đi bộ, cần căn cứ vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe của mình để xem nên đi bộ bao nhiêu một ngày là đủ. Những người già 60 - 70 tuổi, chỉ nên đi bộ từ 30 - 45 phút/ngày là đủ. Còn những người trẻ hơn, có thể đi bộ trong khoảng thời gian nhiều hơn, nhưng cũng không nên lạm dụng môn thể thao đi bộ. Cần lựa chọn giày chuyên dụng khi đi bộ, chạy. Trước khi đi bộ hay luyện tập bất cứ môn thể thao nào, đừng nôn nóng tập luôn mà cần có 5 – 10 phút khởi động để làm nóng các khớp trước khi tập luyện. Với người lớn tuổi, đạp xe, bơi lội sẽ tốt hơn thể dục do khớp không phải gánh sức nặng của toàn bộ cơ thể.

Bên cạnh đó, khi tập bộ môn thể dục, thể thao cần tập có bài bản, phù hợp với tuổi tác, tình trạng sức khoẻ, được hướng dẫn đúng kỹ thuật để tránh những tác động xấu cho khớp.

GS Ân cho biết thêm, thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh thoái hóa khớp gối, vì vậy hãy kiểm soát cân nặng hợp lý. Người bị loãng xương hay đái tháo đường có nguy cơ thoái hóa khớp gối cao gần 2 lần so với người khỏe mạnh.

Trong dịp này, Hội Thấp khớp học Việt Nam đã tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ VII và hội nghị khoa học thường niên VRA 2017 Hà Nội. Đại hội đã bầu ra ban chấp hành nhiệm kỳ 2017 – 2022. Ban chấp hành trung ương Hội thấp khớp học Việt Nam nhiệm kỳ mới gồm 61 người, đại diện cho các hội viên thấp khớp học từ 3 miền đất nước, quân y, dân y. Giáo sư Trần Ngọc Ân đã tái đắc cử Chủ tịch hội nhiệm kỳ tiếp theo.

Hồng Hải