1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người đầu tiên ở Đồng Nai bị đậu mùa khỉ

Hoàng Lê

(Dân trí) - Ca đậu mùa khỉ đầu tiên có địa chỉ thường trú tại tỉnh Đồng Nai được ghi nhận vẫn chưa xác định được nguồn lây. Người bạn gái tiếp xúc với bệnh nhân cũng đã có triệu chứng bệnh.

Chiều 25/9, nguồn tin từ Bệnh viện Da Liễu TPHCM xác nhận với phóng viên Dân trí, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận điều trị một trường hợp dương tính với virus đậu mùa khỉ. Đây cũng là ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên có địa chỉ thường trú tại tỉnh Đồng Nai được ghi nhận.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, bệnh nhân trên là anh L.V.T. (25 tuổi, ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), tạm trú tại TPHCM.

Bệnh nhân làm nghề kinh doanh, thường xuyên phải di chuyển và tiếp xúc với nhiều người nhưng không có yếu tố nước ngoài. Hàng ngày tiếp xúc với bố, mẹ, bà nội chị gái ở quê.    

Ngày 17/9, anh T. xuất hiện các triệu chứng sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, ngứa, nổi mụn mủ ở cơ quan sinh dục. Bệnh nhân đi điều trị tại một phòng khám tư nhưng bệnh không giảm.

Đến ngày 22/9, bệnh nhân vào Bệnh viện Da Liễu TPHCM trong tình trạng hết sốt, còn ngứa, kèm các triệu chứng như nổi hạch bẹn, phát ban dạng mủ tại vùng mặt, niêm mạc miệng, lòng bàn tay, chân, cơ quan sinh dục.

Trước những dấu hiệu trên, phía Bệnh viện Da Liễu TPHCM nghi ngờ bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ nên đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur TPHCM làm xét nghiệm. Ngày 23/9, mẫu bệnh phẩm của anh T. cho kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ.

Người đầu tiên ở Đồng Nai bị đậu mùa khỉ - 1

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: BV).

Qua khai thác dịch tễ, cơ quan chức năng xác định, trước đó vào ngày 16/9, bệnh nhân có tiếp xúc với người bạn gái tên L. (22 tuổi, tạm trú tại TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Hiện tại, người bạn gái cũng đang có triệu chứng phát ban dạng mụn mủ xung quanh cơ quan sinh dục.

Vì chưa xác định được nguồn lây nhiễm, CDC Đồng Nai kiến nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), CDC Bình Dương tiếp tục điều tra, xử lý đối với 2 trường hợp trên.

Đặc biệt, cần điều tra lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân với các đồng nghiệp, người thân xung quanh để đưa ra các biện pháp xử trí kịp thời theo hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.  

Cơ quan chức năng đề nghị Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) giám sát, theo dõi y tế đối với 4 trường hợp người thân có tiếp xúc gần với bệnh nhân (tiếp xúc lần cuối ngày 2/9) đến hết ngày 23/9.

Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát nhập cảnh, giám sát cộng đồng và tại các cơ sở y tế để phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ đậu mùa khỉ.

Theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ có nguồn gốc từ châu Phi. Bệnh lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa.

Các triệu chứng phổ biến là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.

Ngành y tế TPHCM khuyến cáo, bất cứ ai có tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Cán bộ y tế cũng có nguy cơ cao do phơi nhiễm virus trong thời gian dài hơn.

Người đã tiêm vaccine ngừa đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ ở mức độ nhất định trong phòng ngừa nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Dù vậy, vẫn cần thực hiện các biện pháp đề phòng để bảo vệ bản thân và người khác.