Người đàn ông nguy kịch vì liên cầu lợn tấn công

(Dân trí) - Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn biến chứng suy đa tạng, rối loạn đông máu vô cùng nguy kịch do liên cầu lợn. Các bác sĩ cảnh báo nguy cơ căn bệnh này dịp cận Tết, khi nhiều nơi có phong tục thịt lợn, ăn tiết canh.

Bệnh nhân H.V.L (58 tuổi) sinh sống tại TP Cẩm Phả được gia đình đưa tới viện khi xuất hiện tình trạng mệt mỏi, sốt cao không dứt, đau bụng và đi ngoài phân lỏng.

Tình trạng bệnh nhân diễn biến nhanh, phức tạp nên tuyến dưới đã chuyển bệnh nhân lên BV Đa khoa tỉnh trong  tình trạng sốc, ban xuất huyết rải rác toàn thân nhiều ở vùng cẳng chân, lưng và bụng, sốt cao, xuất huyết tiêu hóa, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Người đàn ông nguy kịch vì liên cầu lợn tấn công - 1

Bệnh nhân phải lọc máu, thở máy nhưng tình trạng vẫn chưa được cải thiện.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết đường vào tiêu hóa, theo dõi do liên cầu lợn. Kết quả cấy máu sau 3 ngày điều trị cho thấy, bệnh nhân dương tính với khuẩn liên cầu lợn.

Hiện bệnh nhân vẫn đang được điều trị tích cực như thở máy, bù dịch, điện giải, duy trì thuốc vận mạch, kháng sinh phối hợp, lọc máu liên tục nhưng tiên lượng nặng.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thắng, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, diễn biến của liên cầu lợn rất nhanh, có thể gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng trong thời gian ngắn.

Đáng nói, tình trạng bệnh nhân mắc liên cầu lợn vốn xuất hiện rải rác nhưng trong dịp cận Tết xuất hiện nhiều hơn. Tại Bệnh viện, cận Tết năm 2019 cũng tiếp nhận trường hợp nhiễm khuẩn liên cầu lợn do ăn tiết canh khi liên hoan cuối năm.

Liên cầu khuẩn lợn lây truyền trực tiếp sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…), ngoài ra có thể lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc từ tổn thương trên da. Người bệnh nhiễm liên cầu lợn gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai, biểu hiện bệnh rất nặng nề, chi phí điều trị tốn kém.

Trong những ngày gần Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, đặc biệt là thịt lợn, vì thế các bác sĩ cảnh báo người dân nên bỏ thói quen ăn tiết canh, thịt lợn sống chưa qua chế biến để phòng ngừa căn bệnh chết người này.

BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, nhiều người quan niệm lợn nhà nuôi, lợn thả rông "sạch" nên thoải mái ăn tiết canh.

Thực tế vi khuẩn liên cầu trú ngụ tại vùng hầu họng của con lợn, có thể biểu hiện bệnh hoặc không biểu hiện bệnh. Trong máu (tiết) và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn (có khả năng sống được 10 phút ở nhiệt độ 60oC). Lúc đó, nếu không được nấu chín kỹ (tiết canh, nem chua, nem chạo…), những người ăn tiết canh, thịt chưa nấu chín sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

BS Cấp cho biết, nhiều người nhà bệnh nhân hỏi, vì sao ăn có một bát tiết canh đã bị, có người ăn hai bát một lúc không sao.

Thực tế, ăn tiết canh, nói nôm na là uống sống tiết lợn. Trong đó, đủ loại vi khuẩn, vi rút có thể tồn tại. Với vi khuẩn liên cầu lợn, nạp một ngưỡng nhất định nào đó vi khuẩn liên cầu vào người thì sẽ gây bệnh.

Tú Anh