1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người đàn ông 35 tuổi bị chảy máu dạ dày vì ăn măng dấm ớt?

Nam Phương

(Dân trí) - Bị đau thượng vị, anh Lê Văn T (Lai Châu) đi khám thì được chẩn đoán bị viêm xung huyết dạ dày, loét hang vị. Anh cho biết bị bệnh lần đầu tiên sau ăn măng dấm ớt.

Đây là một trong những ca bệnh đưa ra thảo luận tại buổi chẩn trực tuyến với các bác sĩ của Bệnh viện E (Hà Nội) chiều 14/9. 

Theo BS Đỗ Thành Hưng, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Lai Châu, bệnh nhân là anh Lê Văn T, 35 tuổi, ở thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường. Trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhân có biểu hiện hiện đau bụng trên rốn, đau âm ỉ, nóng rát. Qua nội soi dạ dày, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm xung huyết dạ dày-loét hang vị. 

Người đàn ông 35 tuổi bị chảy máu dạ dày vì ăn măng dấm ớt? - 1

Bệnh nhân cho biết không uống rượu, không dùng thuốc giảm đau, lần đầu tiên có biểu hiện bị bệnh là sau khi ăn măng dấm ớt. Bên cạnh đó, test HP cho kết quả âm tính. Vì thế, có thể nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu dạ là do món măng dấm ớt. Bệnh nhân được kê thuốc điều trị, đồng thời kiêng đồ cay, chất kích thích, ăn chất mềm, dễ tiêu.

Theo BS Vũ Hồng Anh, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu và quốc tế, Bệnh viện E, với trường hợp bệnh nhân trên ngoài món măng dấm ớt, cần lưu ý đến vấn đề stress, tiền sử uống rượu cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chảy máu dạ dày. 

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng xuất huyết, loét cấp dạ dày cấp tính. Trong đó đầu tiên phải kể đến tiền sử dùng chất gây kích thích đường tiêu hóa như ngâm dấm măng, dưa (nhất là ăn khi bị đói); sau đó là các thuốc giảm đau (non-steroid hay steroid) hoặc do stress, căng thẳng đột xuất; tiền sử uống rượu, bia… Ngoài ra tình trạng này cũng có thể xảy ra ở những người có bệnh nền cũ, phải dùng thuốc điều trị lâu dài. 

Người đàn ông 35 tuổi bị chảy máu dạ dày vì ăn măng dấm ớt? - 2

“Chúng ta cần loại trừ dần các nguyên nhân để xác định chính xác tình trạng chảy máu dạ dày của bệnh nhân là do căn nguyên nào. Đồng thời cũng cần phải kiểm tra lại xem tình trạng loét này có phải trên nền viêm loét mạn tính không như bệnh crohn, thậm chí là ung thư…”, BS Hồng Anh nói. 

Theo bác sĩ Hồng Anh trước đây, nếu bác sĩ tuyến dưới gặp khó khăn cần sự hỗ trợ của bác sĩ trung ương, họ thường gọi hỏi qua điện thoại, hoặc gửi các ảnh qua zalo, viber, nhưng là hình ảnh tĩnh nên việc chẩn đoán khó khăn hơn. Tuy nhiên, qua telehealth, với hình ảnh động, nhìn trực tiếp sẽ giúp các y bác sĩ kết nối với nhau, góp phần chẩn đoán bệnh tốt hơn. 

Ngày 14/9, Bệnh viện E chính thức khai trương hệ thống khám chữa bệnh từ xa, kết nối với gần 80 điểm cầu, chủ yếu là bệnh viện tuyến huyện và trung tâm y tế huyện, cơ sở tư nhân. Trong đó, có rất nhiều bệnh viện tuyến huyện vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn như Bù Đốp (Bình Phước), Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng, Sìn Hồ, Tam Đường, Than Uyên (Lai Châu)…

GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết thực hiện khám chữa bệnh từ xa sẽ là dấu mốc khởi đầu quan trọng trong việc chuyển đổi số trong ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm