Người đàn ông 33 tuổi nguy kịch vì... viên gạch rớt trúng móng chân

Hoàng Lê

(Dân trí) - Ít ngày sau khi bị viên gạch rớt trúng móng chân, nam công nhân phải chuyển đến bệnh viện ở TPHCM điều trị trong tình trạng cứng hàm, gồng toàn thân nguy kịch.

Ngày 22/2, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đang tiếp nhận điều trị hàng chục bệnh nhân bị uốn ván. Trong đó, có những trường hợp nặng, quá trình điều trị kéo dài, khiến viện phí đội lên cao.

Điển hình là trường hợp của anh N.V.S. (33 tuổi, quê Đồng Tháp), làm công nhân ở Campuchia. Khai thác bệnh sử, một ngày tháng 2 khi đang làm việc, anh S. bị viên gạch rớt trúng móng chân cái của bàn chân trái.

Người đàn ông 33 tuổi nguy kịch vì... viên gạch rớt trúng móng chân - 1

Bệnh nhân uốn ván điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Sau đó, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường, cứng hàm, khó nuốt, tình trạng ngày càng xấu dần. Đến ngày thứ 5 của bệnh (17/2), bệnh nhân xin chuyển từ một phòng khám ở nước bạn về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong tình trạng cứng hàm nặng, gồng toàn thân.

Tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị uốn ván nặng toàn phát. Người đàn ông được điều trị bằng thuốc kháng độc tố uốn ván, kháng sinh, thuốc an thần liều cao, chống co giật.

Đến nay, bệnh nhân vẫn còn tình trạng co gồng, phải theo dõi sát, có thể tiến đến mở khí quản để hỗ trợ hô hấp. Dự kiến, anh S. phải nằm điều trị tích cực hơn 3 tuần nữa mới có thể nghĩ đến việc xuất viện.

Một trường hợp khác là anh N.T.A. (38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), nhập viện ngày 14/2 với chẩn đoán uốn ván nặng, hôn mê, phải thở máy nội khí quản. Trước đó, anh A. được người chủ khu đất cho ở nhờ phát hiện bất thường nên đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hiện tại, người đàn ông phải điều trị kháng sinh, an thần và thuốc xử lý tình trạng co cứng cơ do bệnh uốn ván gây ra.

Người đàn ông 33 tuổi nguy kịch vì... viên gạch rớt trúng móng chân - 2

Nhiều bệnh nhân uốn ván nằm dài ngày, dùng nhiều kỹ thuật phức tạp, viện phí đội lên cao (Ảnh: Hoàng Lê).

"Bệnh nhân không có thân nhân, không có người chăm sóc, hiện chưa đóng được viện phí, thời gian nằm viện kéo dài.

Dự kiến, chi phí điều trị cho bệnh nhân khoảng 60 triệu đồng, khả năng cứu sống khoảng 80-90%. Rất mong nhận được sự trợ giúp của nhà hảo tâm để giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn", đại diện phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM chia sẻ.

Theo các bác sĩ, có những vết thương do té xe, đạp đinh… tưởng bình thường mà không xử lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây uốn ván (Clostridium tetani) phát triển.

Ngoại độc tố của Clostridium tetani ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương dẫn đến các biến chứng xấu, thậm chí tử vong. Bệnh nhân uốn ván nặng sau thời gian dài điều trị sẽ để lại di chứng teo cơ, cứng cơ kéo dài, cần thời gian vận động hồi phục.

Người đàn ông 33 tuổi nguy kịch vì... viên gạch rớt trúng móng chân - 3

Uốn ván có thể phòng chống bằng việc tiêm vaccine đầy đủ (Ảnh: Hoàng Lê).

Dù uốn ván là bệnh gây hậu quả nặng, nhưng hoàn toàn có thể dự phòng được bằng việc tiêm vaccine đầy đủ. Cụ thể, người dân cần tiêm ngừa chủ động 3 mũi vaccine uốn ván trước khi bị vết thương (mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng). Sau đó, mỗi 5-10 năm một lần phải chủ động tiêm nhắc lại, để tạo đủ kháng thể.

Đối với trường hợp không tiêm vaccine đầy đủ, khi có vết thương cần đến các cơ sở y tế để được xử trí đúng cách, tiêm huyết thanh giải độc tố uốn ván. Tuyệt đối không tự áp dụng các phương pháp truyền miệng như đắp lá cây, có thể gây nhiễm trùng, khiến vi khuẩn uốn ván xâm nhập nhanh hơn.