Người bệnh Covid-19 thường diễn biến nặng vào ngày thứ 7-10
(Dân trí) - Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp do SARS-CoV-2 (Covid-19) có một số điểm mới như thay đổi định nghĩa về ca bệnh nghi ngờ, trường hợp điều trị khỏi vẫn phải cách ly tại nhà 14 ngày.
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp do SARS-CoV-2 (Covid-19) thay thế phiên hướng dẫn trước đó được ban hành ngày 6/2.
Trong đó có một số điểm mới như thay đổi định nghĩa ca bệnh nghi ngờ, vì tình hình dịch tễ đã thay đổi có nhiều vùng dịch, ổ dịch tại các địa phương ở Việt Nam.
Trường hợp nghi ngờ là người có bệnh sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cáp tính và không lý giải được bằng các căn nguyên khác và/hoặc có tiền sử đến/qua/ở từ vùng dịch tễ có bệnh Covid-19 khoảng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh. Hoặc là người có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào và tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ hoặc xác định Covid-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.
Định nghĩa vùng dịch tễ cũng được mở rộng hơn là những quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca bệnh lây truyền nội địa hoặc nơi có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam.
Những trường hợp tiếp xúc gần gồm:
- Tiếp xúc tại cơ sở y tế (chăm sóc người bệnh Covid-19, làm việc cùng nhân viên y tế mắc bệnh, tới thăm hoặc ở cùng phòng với người mắc bệnh)
- Tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách dưới dưới 2m với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định trong thời kỳ mắc bệnh.
- Sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc trong thời kỳ mắc bệnh.
- Cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.
- Cùng nhóm: du lịch, công tác, vui chơi, liên hoan, cuộc họp… với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.
- Di chuyển trên cùng phương tiện (ngồi cùng hàng, trước hoặc sau hai hàng ghế) với trường hợp nghi ngờ hoặc xác định mắc trong thời kỳ mắc bệnh.
Một điểm mới khác là hướng dẫn này là cũng yêu cầu theo dõi sát bệnh nhân, đặc biệt ngày thứ 7-10 của bệnh, sử dụng các dấu hiệu lâm sàng, các thang điểm cảnh báo sớm, theo dõi tiến triển hàng ngày của X-quang phổi để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng/ tiến triển nặng của bệnh.
Theo các báo cáo trên y văn cũng như thực tế các ca bệnh nặng ở Việt Nam trong tgian qua, đa số đều diễn biến nặng nhanh trong khoảng thời gian này. Thời gian trung bình từ khi có tiệu chứng ban đầu đến khi có diễn biến nặng thường 7-8 ngày.
Ngoài ra, với bệnh nhân suy hô hấp nặng, nên đặt ống nội khí quản sớm và thở máy xâm nhập. Chỉ cân nhắc các biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập cho từng trường hợp cụ thể chứ không áp dụng thường quy và cần theo dõi sát bệnh nhân.
Về các thuốc kháng virus đặc hiệu (như Lopinavir/ritonavir, Chloroquine, Hydroxychloroquine, Remdesivir..), do chưa có đủ các bằng chứng về hiệu quả và an toàn của những thuốc này trong điều trị Covid-19, nên Bộ Y tế chưa khuyến cáo áp dụng thường quy trong điều trị. Bộ Y tế sẽ ra các khuyến cáo bổ sung dựa trên những kết quả của các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam.
Đặc biệt, hướng dẫn này cũng yêu cầu người bệnh sau khi điều trị khỏi bệnh ra viện, cần tiếp tục được cách ly tại nhà 14 ngày. Người bệnh cần được ở phòng riêng thoáng khí, đeo khẩu trang, ăn riêng, vệ sinh tay, hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình, và không được ra ngoài. Theo dõi sát thân nhiệt 2 lần/ngày, khám lại ngay nếu sốt hoặc có dấu hiệu bất thường khác.
Người bệnh Covid-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng: từ nhiễm không có triệu chứng, giống như cúm thông thường, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay người suy giảm miễn dịch.
Khoảng 80% các trường hợp bệnh chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi. Khoảng 14% các ca bệnh có diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng. Khoảng 5% cần điều trị tại các cơ sở hồi sức tích cực với các biểu hiện suy hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái…), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm trùng… có thể dẫn đến tử vong.
Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
Ở trẻ em, các biểu hiện lâm sàng đa số nhẹ hơn người lớn hoặc không có trệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt, ho hoặc các biểu hiện viêm phổi. Tỷ lệ bệnh nặng, nguy kịch ít gặp hơn ở người lớn.
Nam Phương