Người bác sĩ "đi xin sự sống từ cái chết"
(Dân trí) - “Khi gia đình bệnh nhân đau đớn vô hạn vì mất người thân, nếu không tế nhị chúng tôi sẽ phải đối mặt với sự giận giữ của họ. Có lúc tôi cảm thấy sợ, nhưng nghĩ đến những người bệnh đang cần nguồn tạng ghép, tôi đã vượt qua để xin món quà của sự sống".
“Nghề” xin tạng của người quá cố
“Hôm nay, suýt chút nữa thì chúng tôi đã vận động thành công một người bệnh chết não hiến đa tạng. Khi hồ sơ, giấy tờ chỉ còn chờ thân nhân ký, thì mọi việc lại thất bại bởi người anh bệnh nhân không đồng ý cho tạng của em mình. Tiếc quá, nguồn tạng của bệnh nhân còn rất tốt, nếu có thể nhận được thì chắc chắn nhiều người bệnh sẽ được cứu.” Đó là sự tiếc nuối của TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép tạng, bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.
TS Ngọc Thu cùng đồng nghiệp làm thủ tục lo hậu sự cho người hiến tạng
Tâm sự về công việc mình đang đảm nhận, chị cho biết: “Mỗi ngày tại Chợ Rẫy có nhiều bệnh nhân tử vong vì ngưng tim, chết não. Nếu vận động được gia đình đồng ý hiến mô tạng của họ thì những người đang phải sống lay lắt vì suy gan, suy thận, suy tim, hỏng giác mạc… sẽ có cơ hội thoát khỏi lưỡi hái tử thần, vượt qua cảnh sống dở chết dở hoặc phải lay lắt điều trị ở bệnh viện để trở thành người có ích cho xã hội.”
Nhưng để thân nhân đồng ý hiến mô tạng của người bệnh là cả một quá trình rất gian nan. TS Ngọc Thu chia sẻ: “Ở góc độ tâm lý, khi gia đình được thông báo chuẩn bị hậu sự cho bệnh nhân cũng là lúc người thân của họ đau đớn vô hạn. Nếu trơ trẽn mở lời xin tạng của bệnh nhân, chúng tôi có thể sẽ phải đối mặt với cơn giận giữ từ phía gia đình. Nếu xét về tâm linh, thì quan niệm “chết phải toàn thây” của văn hóa phương Đông đang là rào cản lớn đối với cuộc vận động hiến tạng.”
Sự khó khăn ấy đã thể hiện ngay trong công việc thường ngày của TS Ngọc Thu cùng đồng nghiệp: “Để mở lời xin mô tạng của người quá cố, chúng tôi phải đặt mình vào chính nỗi đau của thân nhân để cảm thông chia sẻ, động viên họ. Nếu thuận buồn xuôi gió thì mới dám mở lời còn không thì đành chấp nhận thất bại. Trong số hàng chục ca được vận động thì may mắn lắm mới được một ca người thân đồng ý. Nhiều người khi vừa nghe chúng tôi trao đổi đã vội vã xin đưa người nhà về vì sợ thân nhân bị lấy nội tạng.”
Nhưng sau hai năm miệt mài, TS Ngọc Thu cùng đồng nghiệp đã bước đầu gặt hái được thành công khi vận động được hơn 1.500 người đăng ký hiến mô tạng tại bệnh viện Chợ Rấy nếu chẳng may qua đời. Từ năm 2008 đến nay, bệnh viện đã vận động được 14 người hiến tạng, giúp cứu sống hàng chục người sau khi thực hiện cuộc ghép thành công, đồng thời phát triển ngành ghép tạng trong nước.
Phía sau những món quà sự sống
Những năm cuối của thế kỷ trước, nhu cầu được ghép các bộ phận của cơ thể tại Việt Nam bắt đầu gia tăng, tình trạng mua bán nội tạng xuất hiện ở nhiều nơi. Để chặn đứng những hệ lụy cho xã hội, GS.TS Trần Ngọc Sinh khi đó là Trưởng khoa Tiết Niệu của bệnh viện Chợ Rẫy đã bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng quy trình và thực hiện công trình ghép tạng trên người cho chết não. Một trong những người tiên phong thực hiện kỹ thuật mới này là TS Ngọc Thu.
Năm 2013, khi các chuyện gia về ghép tạng trên thế giới đến Việt Nam để hỗ trợ phát triển lĩnh vực ghép tạng, TS Thu là một trong hai người của Việt Nam được chọn đi học mô hình tại Úc. Sau khi trở về nước, chị đã được không ít bệnh viện tư nhân mời gọi với mức thu nhập “khủng”. Nhưng bỏ qua những đề nghị ấy chị vẫn gắn bó với công tác chuyên môn tại khoa Tiết niệu và kiêm nhiệm thêm vị trí Trưởng đơn vị Điều phối ghép tạng.
Tâm sự về người đồng nghiệp của mình, Ths Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác Xã hội chia sẻ: “Xin của cải vật chất từ người khác có thể rất dễ dàng, nhưng đi xin bộ phận cơ thể của họ là vấn đề vô cùng khó khăn. Mỗi bệnh nhân đồng ý hiến tạng là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của TS Ngọc Thu và đồng nghiệp, họ phải theo sát bệnh nhân từ quá trình điều trị đến chẩn đoán ngưng tim chết não, làm công tác pháp y với phía công an, đồng thời lo thủ tục mai táng cho người quá cố.”
Sau mỗi ca hiến tạng, khi các đồng nghiệp nhận bộ phận cơ thể bắt tay vào công việc chuyên môn thì bên giường bệnh của bệnh nhân, TS Ngọc Thu lặng lẽ chăm chút từng nén nhang, lo toan mọi việc từ trang điểm cho người bệnh, bàn giao thi thể người quá cố cho gia đình về lo hậu sự. “Có những hôm chị ấy quên cả ăn uống.”
Dù đã nỗ lực hết sức, nhưng quy trình điều phối ghép tạng còn trong quá trình hoàn thiện nên không ít sự việc ngoài ý muốn xảy ra khiến TS Ngọc Thu và các đồng nghiệp quặn lòng. Cuối năm 2015, bệnh viện tổ chức đi thăm và tri ân gia đình có người hiến tạng. Những giọt nước mắt của người bác sĩ tận tâm với nghề đã lăn dài khi nghe câu chuyện từ người mẹ, sau quyết định hiến tạng con trai, khi đưa thi thể về địa phương, gia đình không cho mang vào nhà nên bà buộc phải làm chòi ngoài vườn lo tang lễ.
Hay việc người phụ nữ ngụ tại Đồng Nai hiến tạng của chồng nhưng bị anh em trong gia đình và bà con lối xóm dị nghị, xa lánh vì cho rằng bà đã tham tiền nên mang bán. TS Ngọc Thu tự trách mình “Chúng tôi chưa làm tròn trách nhiệm với gia đình người hiến tạng nên mới xảy ra những nỗi khổ như vậy cho họ.”
Chị mong ước Bộ Y tế sẽ sớm xây dựng và thống nhất quy trình vận động, điều phối ghép tạng tại tất cả các bệnh viện trên cả nước để thông tin đến được với người dân, giúp nhiều người nhận được nguồn tạng hiến và hy vọng thời gian tới, cộng đồng sẽ thay đổi quan niệm, có cách nhìn thiện cảm và hưởng ứng cuộc vận động hiến tạng cứu người.
Vân Sơn