Ngủ gà, ngủ gật: Tình trạng không thể "ngó lơ" ở người lớn tuổi
(Dân trí) - Những người lớn tuổi thường xuyên cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, có nguy cơ cao đối mặt với các hội chứng bệnh lý như: tiểu đường, cao huyết áp và thậm chí là ung thư.
Kết quả này được chỉ ra trong một nghiên cứu của Đại học Staford, vừa mới được công bố vào ngày 02/03. Cảm thấy buồn ngủ quá mức vào ban ngày, mặc dù đã dành từ 7 tiếng trở lên để ngủ, được gọi là hội chứng hypersomnolence. Hội chứng này có thể gây suy nhược cơ thể hoặc ảnh hưởng đến tất cả hoạt động thường ngày của chúng ta và cả công việc.
"Chú ý đến dấu hiệu buồn ngủ của người già sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán và dự phòng các bệnh lý có thể phát triển, trong tương lai một cách tốt hơn" - TS Maurice M. Ohayon, tác giả nghiên cứu cho biết - "Những người lớn tuổi và cả các thành viên khác trong gia đình, cần quan tâm nhiều hơn đến giấc ngủ, để hiểu được rủi ro phát sinh các tình trạng bệnh lý nguy hiểm hơn".
Được biết, trong nghiên cứu của mình, TS Maurice M. Ohayon và cộng sự đã tiến hành thử nghiệm trên 10.930 người với 34% ở độ tuổi từ 65 trở lên. Mỗi tình nguyện viên sẽ được gọi phỏng vấn 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 năm, để các nhà khoa học nắm được tình trạng giấc ngủ của họ. Kết quả cho thấy, trong lần phỏng vấn đầu tiên, 23% người trên 65 tuổi cho biết gặp tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Ở lần phỏng vấn thứ 2, 24% gặp phải tình trạng này, trong số đó, 41% nói rằng, cảm giác buồn ngủ là một vấn đề mạn tính với họ.
Qua phân tích, nhóm tác giả đi đến kết quả: Những người có triệu chứng của hypersomnolence có nguy cơ mắc tiểu đường hoặc cao huyết áp sau 3 năm cao hơn đến 2,3 lần. Trong khi đó, rủi ro mắc ung thư gấp 3 lần so với trường hợp còn lại. Cụ thể, trong 840 người thuộc nhóm "ngái ngủ" trong lần phỏng vấn đầu tiên, 52 người (6,2%) sau đó đã mắc bệnh tiểu đường, so sánh với 74 người (2,9%) ở nhóm còn lại; 20 người (2,4%) trong nhóm "ngái ngủ" sau đó cũng đã mắc ung thư, so sánh với 21 người (0,8%) ở nhóm còn lại.
Kết quả này vẫn giữ nguyên sau khi nhóm tác giả điều chỉnh, dựa trên các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hiện tượng buồn ngủ vào ban ngày như giới tính hay hiện tượng ngưng thở lúc ngủ.
Ngừng thở lúc ngủ, là một hiện tượng rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi việc ngừng thở hoặc quá trình giảm hô hấp trong giấc ngủ. Mỗi lần tạm dừng có thể kéo dài vài giây đến vài phút và có thể xảy ra rất nhiều lần một đêm, thường đi kèm với tiếng ngáy to.
Ngoài ra, những người thuộc nhóm "ngái ngủ" trong cuộc phỏng vấn thứ 2 sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và mô liên kết như: gút, viêm gân bánh chè, lupus ban đỏ... hơn 50% so với nhóm còn lại. Đáng chú ý, những người xác nhận gặp phải tình trạng buồn ngủ vào ban ngày, trong cả 2 cuộc phỏng vấn, sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn đến 2,5 lần.
Đại diện nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận rằng, công trình khoa học này vẫn có một số tồn tại, điển hình là việc nó phụ thuộc hoàn toàn vào trí nhớ của người tham gia, về vấn đề giấc ngủ, chứ không dựa trên các phương pháp đo lường khoa học.
Minh Nhật
Theo MedicalXpress