Ngộ độc vì tích trữ thức ăn quá nhiều trong tủ lạnh

Ngày tết, các bà nội trợ chế biến thức ăn quá nhiều rồi dư thừa, phải bảo quản kéo dài, vừa không ngon khi phải dùng lại, vừa tăng nguy cơ ngộ độc.

Các ngày lễ tết, theo kinh nghiệm làm việc nhiều năm, khoa tiêu hóa chúng tôi luôn tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Thường bệnh nhân nhập viện trong bệnh cảnh viêm dạ dày cấp do ngộ độc thức ăn với biểu hiện đau bụng trên rốn, buồn nôn, nôn ói hoặc bệnh cảnh viêm ruột cấp vì ngộ độc thức ăn.

 

Biểu hiện dễ nhận thấy là đau bụng vùng rốn và dưới rốn, kèm với đi cầu phân lỏng hay phân đàm nhầy. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị tê chân tay, vọp bẻ do bị mất nước và mất muối qua đường tiêu hóa.

 

Do đó, ngày tết chúng ta không nên mua và chế biến thức ăn quá nhiều rồi dư thừa, phải bảo quản kéo dài vừa không ngon khi phải dùng lại, vừa tăng nguy cơ ngộ độc vì thực phẩm dễ bị hư và nhiễm khuẩn.

 

Thức ăn đã để ra ngoài sau 6 giờ nên được đun sôi lại rồi mới sử dụng, vì chỉ cần 6-8 giờ ở môi trường nóng ẩm là trong thức ăn đã có thể có đủ số lượng vi khuẩn với độc tố gây hại cho cơ thể.

 

Một số người tiêu dùng thành thị cũng chuộng thực phẩm đóng hộp và đồ nguội (như patê, jambon...). Tuy nhiên, ngoài việc dùng đúng hạn trên bao bì và phải bảo quản lạnh (đồ nguội), chúng ta không nên ăn quá nhiều đồ nguội hay thức ăn đóng hộp, vì có thể có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản hoặc bị "ngộ độc thịt hộp" do độc tố của một loài vi khuẩn là Botulinum (gây liệt thần kinh). Vì vậy, sau khi khui hộp, chúng ta nên nấu lại cho sôi vì độc tố Botulinum rất dễ bị hủy bởi nhiệt độ cao.

 

Theo ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương

Phó khoa nội tiêu hóa BV Nguyễn Tri Phương

Tuổi trẻ