Ngộ độc thủy ngân vì cắn vỡ cặp sốt

Nhiều trường hợp trẻ ngộ độc do bất cẩn của người lớn, nguy hiểm nhất vẫn là những vụ ngộ độc thuốc và thuỷ ngân. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

 

Ngộ độc thủy ngân vì cắn vỡ cặp sốt - 1


Cha mẹ chủ quan

 

Ngày 20/5 Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi TƯ tiếp nhận bệnh nhi Lê Cảnh Huy (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) trong tình trạng sốt cao, cơ thể có lúc ớn lạnh, mệt mỏi, ăn ít.

 

Chị Nguyễn Thị Hà - mẹ cháu Huy cho biết: “Một ngày trước khi nhập viện cháu bị sốt tôi có dùng cặp nhiệt độ hạ sốt nhưng không ngờ cháu nghịch và cắn vỡ chiếc cặp nhiệt độ và nuốt phải thuỷ ngân. Lúc đó, thấy cháu không sao nên tôi chủ quan không cho đi khám, ngày 21/5, cháu có biểu hiện sốt, mệt mỏi tôi liền đưa cháu đến bệnh viện ngay”.

 

Thông tin từ BV Nhi TƯ cho biết, gần đây mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 10-15 trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc. Trong đó chủ yếu là các trường hợp ngộ độc thức ăn, ngộ độc thuốc, ngộ độc vì tiếp xúc với hoá chất và nguy hiểm nhất là ngộ độc thuỷ ngân.

 

Nhiều trường hợp trẻ ngộ độc do bất cẩn của người lớn, nguy hiểm nhất vẫn là những vụ ngộ độc thuốc và thuỷ ngân

 

Lý do dẫn tới trẻ bị ngộ độc thuỷ ngân rất nhiều, trong đó chủ yếu do trẻ nghịch cặp nhiệt độ và làm vỡ. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ có thói quen rất nguy hiểm là sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ bình sữa. Nếu nhiệt độ bình sữa trên ngưỡng 400C sẽ làm nhiệt kế giãn nở rồi vỡ, khiến thủy ngân hòa lẫn trong sữa của trẻ.

 

Chị Bùi Thị Lan, ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc vừa cho con đi khám và được chẩn đoán là ngộ độc thuỷ ngân, cho hay: “Hôm đó người giúp việc nhà tôi dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ bình sữa. Có lẽ bình quá nóng nên nhiệt kế vỡ, thuỷ ngân từ nhiệt kế rơi ra, nó bảo trông như quả bóng nhỏ xíu nên tò mò nghịch và cho cả cháu nhỏ nghịch. 2-3 hôm sau thấy cháu sốt cao không rõ nguyên nhân tôi mới đưa đi khám".

 

Cần bình tĩnh

 

Để tạo ngôi nhà an toàn cho trẻ, cha mẹ cần để những hóa chất, thuốc men, chất tẩy rửa trong đúng chai lọ ban đầu của chúng và cất giữ ở nơi trẻ không thể lấy được… Tốt nhất là xây dựng tủ thuốc an toàn, đặt tủ trên cao.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Tú - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi TƯ, cảnh báo: “Trường hợp trẻ uống phải sữa có lẫn thủy ngân, cha mẹ không nên cuống cuồng làm các biện pháp gây nôn như móc họng hay vỗ ngực cho con vì làm thế trẻ dễ sặc, thuỷ ngân tràn vào phổi khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn”.

 

Cũng theo bác sĩ Tú, chỉ khi trẻ hít thủy ngân vào phổi mới đáng lo còn nếu uống vào đường ruột, thủy ngân sẽ tự đào thải sau vài ngày. Cha mẹ nên theo dõi diễn tiến tình trạng trẻ sau vài ngày, cho trẻ uống nhiều nước để tự đào thải thủy ngân ra ngoài qua đường ruột.

 

Trẻ hít phải thủy ngân gây ngộ độc sẽ có các triệu chứng lâm sàng như sốt, ớn lạnh, khó thở, loét miệng, lơ mơ, nôn mửa… Ngộ độc thủy ngân gây ra bệnh mãn tính có thể gây viêm lợi, chảy nước miếng, rối loạn tâm thần, giật chân tay, hay quên, mất ngủ, tâm lý không ổn định, kém ăn, buồn bã…

 

Bác sĩ Tú khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ bình sữa vì nhiệt kế chỉ đo được tối đa 42oC. Nếu trên ngưỡng này có thể sẽ khiến nhiệt kế giãn nở rồi vỡ làm thủy ngân chảy ra ngoài. Khi thấy con mình nuốt phải một chất gì đó có thể gây ngộ độc thì hãy bình tĩnh. Nhớ đúng nhãn chai lọ đựng chất đó để báo cho bác sĩ rồi đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

 

Theo Minh Nguyệt

Dân Việt