TPHCM:

Ngộ độc do thực phẩm kém chất lượng: Đến hẹn lại lên!

(Dân trí) - Ngộ độc thực phẩm cấp tính và mạn tính đang gây tâm lý bất an cho người tiêu dùng. Trong khi đó, việc làm thế nào đảm bảo an toàn thực phẩm cho 10 triệu dân thành phố vẫn là bài toán khó với cơ quan chức năng.

Ngày 01/7, gần 200 công nhân của Công ty TNHH dệt Shin Dong đóng tại khu phố 5, phường Hiệp Thành, quận 12 phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn ói, đau bụng quằn quại sau khi ăn cơm tối. Các nạn nhân cho biết, bữa ăn do nhà bếp của công ty cung cấp với các món cơm, trứng chiên, bắp cải xào thịt, canh rau dền. 

Nguyên nhân khiến hàng trăm người nhập viện hiện vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra nhưng, qua các biểu hiện lâm sàng của người bệnh, BS Lương Trọng Nghĩa, Phó phòng tổ chức bệnh viện Quận 12 khẳng định, các bệnh nhân đều có dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm đang gặm nhấm sức khỏe người lao động 
Ngộ độc thực phẩm đang "gặm nhấm" sức khỏe người lao động 

Cùng với vụ việc 97 học sinh ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm chiên dương châu do công ty Visan cung cấp và kết quả thanh tra an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm với hơn 40% (60/143) cơ sở vi phạm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đã minh chứng cho tình trạng “đến hẹn lại lên” của sự mất an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm.
 
Trước đó, trong năm 2013, Thanh tra Sở Y tế thành phố tiến hành thanh tra 121 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, và bếp ăn tập thể thì phát hiện 50 cơ sở vi phạm, không an toàn, 10 cơ sở buộc phải đóng cửa. Những vi phạm ở các suất ăn có sẵn và bếp ăn tập thể là do phương tiện vận chuyển không đảm bảo an toàn vệ sinh, thời gian từ lúc chế biến xong đến lúc sử dụng quá dài, thường trên 2 giờ, không có thiết bị hâm nóng, bảo quản thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Người dân cần được cung cấp nguồn thực phẩm sạch để tránh bệnh tật
Người dân cần được cung cấp nguồn thực phẩm sạch để tránh bệnh tật

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố nhận định, các vụ ngộ độc thực phẩm diễn tra trên địa bàn thời gian qua phần lớn xuất phát từ những cơ sở chế biến thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể với các nguyên nhân có thể là do độc tố tự nhiên hoặc do quá trình chế biến, vận chuyển không đảm bảo an toàn khiến thức ăn nhiễm khuẩn.
Để ngăn chặn những nguy hại từ nguồn thực phẩm kém chất lượng, thành phố đang xây dựng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn theo mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng, bước đầu đã có 6 công ty tại thành phố và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai tham gia cung cấp các sản phẩm thịt, trứng, rau. Bên cạnh đó, thành phố đang hướng dẫn xây dựng bếp ăn tập thể đạt chuẩn trong trường học và khu chế xuất – khu công nghiệp. Dự kiến, mô hình này sẽ được nhân rộng đối với tất cả các bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, nguồn thực phẩm an toàn thường đi kèm với giá thành cao nên khó có thể đến được với các bếp ăn tập thể phục vụ cho người lao động, học sinh, sinh viên…
 
Làm thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm cho khoảng 10 triệu dân trên địa bàn thành phố, theo nhận định của ông Huỳnh Lê Thái Hòa hiện đang là bài toán khó.
 

 Liên quan đến vụ ngộ độc tại công ty Shin Dong, ngày 2/7 Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế TPHCM chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức cấp cứu, thu dung và điều trị kịp thời cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc. Điều tra xác định rõ cơ sở nguyên nhân, bữa ăn nguyên nhân, thức ăn nguyên nhân và căn nguyên trong vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định. Công khai kết luận điều tra ngộ độc thực phẩm để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các đối tượng, đặc biệt là các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn để bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bền vững và có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm