Nghiêm cấm tái chế chất thải y tế nguy hại
(Dân trí) - Các hành vi buôn bán chất thải nguy hại; tái chế chất thải nguy hại... đều bị nghiêm cấm. Đó là một phần nội dung trong Quy chế bổ sung Quy định về quản lý chất thải y tế do Chính phủ vừa ban hành.
Ngoài ra, các hành vi như thải các chất thải y tế (CTYT) nguy hại chưa được xử lý, tiêu hủy đạt tiêu chuẩn vào môi trường; xử lý và tiêu hủy CTYT nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật và không đúng nơi quy định đều bị nghiêm cấm.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, trong các loại CTYT, có 85% CTYT không lây nhiễm, 10% lây nhiễm và 5% rất độc hại. Nếu đốt hết CTYT thì sẽ gây ra những khí thải, khí độc hại làm ô nhiễm môi trường, nhất là nhựa có chứa Clo. Còn một số CTYT không lây nhiễm nếu được tái chế sử dụng sẽ đem lại những lợi ích thiết thực, như làm giảm chi phí cho xử lý CTYT của các bệnh viện; tiết kiệm được nguyên liệu…
Tuy nhiên, để đảm bảo tái chế CTYT không ảnh hưởng đến môi trường, khâu phân loại, thu gom CTYT phải theo đúng quy trình. Người làm phát sinh chất thải phải thực hiện phân loại ngay tại nơi phát sinh. Từng loại chất thải phải đựng trong các túi và thùng có mã mầu kèm biểu tượng theo đúng quy định. Các CTYT nguy hại không được để lẫn trong chất thải thông thường. Nếu vô tình để lẫn CTYT nguy hại vào chất thải thông thường thì hỗn hợp chất thải đó phải được xử lý và tiêu huỷ như CTYT nguy hại.
Theo Quy chế mới, ngoài công nghệ thiêu đốt trong lò đốt như hiện nay, còn có thể sử dụng công nghệ khử khuẩn bằng hơi nóng ẩm, thiết bị khử khuẩn bằng vi sóng và các công nghệ xử lý khác làm cho CTYT không còn tác nhân về vi sinh gây bệnh, tạo nên sự an toàn về mặt sinh học. Khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường.
Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao và chất thải lây nhiễm, sau khi xử lý ban đầu thông qua phương pháp tiệt khuẩn bằng nhiệt ướt, vi sóng hoặc các công nghệ hiện đại khác đạt tiêu chuẩn thì có thể xử lý như chất thải thông thường và có thể tái chế.
Hồng Hải