Nghi vấn giáo sư gian lận nghiên cứu: Bệnh nhân ảnh hưởng thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Những lùm xùm xung quanh các nghiên cứu của GS Masliah có thể ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực nghiên cứu bệnh Alzheimer và Parkinson, đe dọa làm lung lay niềm tin vào các kết quả nghiên cứu khoa học.

Những nghi vấn về gian lận nghiên cứu của GS Eliezer Masliah, một trong những nhà khoa học về thần kinh hàng đầu thế giới, đang khiến cộng đồng y khoa toàn cầu rúng động.

Theo kết quả điều tra của tạp chí Science, hơn 132 bài báo của ông, được công bố trong gần ba thập kỷ, có chứa dữ liệu bất thường, nghi ngờ gian lận.

Bệnh nhân bị ảnh hưởng thế nào?

Đây là vụ bê bối lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến lĩnh vực nghiên cứu bệnh Alzheimer và Parkinson, đồng thời làm lung lay niềm tin vào khoa học y tế.

Nhiều thử nghiệm lâm sàng trị giá hàng tỷ USD, bao gồm thử nghiệm thuốc Prasinezumab dành cho bệnh Parkinson, đã được tiến hành dựa trên các nghiên cứu chứa dữ liệu đáng ngờ của GS Masliah.

Nghi vấn giáo sư gian lận nghiên cứu: Bệnh nhân ảnh hưởng thế nào? - 1

Thuốc Prasinezumab được cấp phép thử nghiệm dựa trên nghiên cứu của GS Masliah (Ảnh: Getty).

Prasinezumab là một loại kháng thể do công ty Prothena phát triển, nhằm mục đích ngăn chặn sự tích tụ của protein alpha-synuclein trong não, được cho là nguyên nhân gây ra các triệu chứng suy giảm vận động và nhận thức ở bệnh nhân Parkinson.

Nghiên cứu của GS Masliah đã giúp thuốc này được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

Tuy nhiên, một thử nghiệm lâm sàng trên 316 bệnh nhân Parkinson công bố vào năm 2022 trên tạp chí New England Journal of Medicine cho thấy, Prasinezumab không mang lại hiệu quả so với giả dược.

Thêm vào đó, những người tham gia thử nghiệm gặp phải nhiều tác dụng phụ như: buồn nôn và đau đầu. Một thử nghiệm khác với thuốc này cũng cho kết quả không nhất quán, đặt ra nhiều nghi vấn về tính an toàn và hiệu quả của thuốc.

Việc các công trình của GS Masliah bị nghi ngờ gian lận khiến không chỉ giới khoa học mà còn rất nhiều bệnh nhân và gia đình họ mất niềm tin vào quá trình nghiên cứu và phát triển thuốc.

Cuộc điều tra làm rung chuyển giới khoa học

Cuộc điều tra đã khiến nhiều nhà khoa học cảm thấy bị sốc. Nhà thần kinh học Christian Haass từ Đại học Ludwig Maximilian tại Munich cho biết, ông đã "rơi khỏi ghế" khi nhìn thấy số lượng hình ảnh bị nghi ngờ.

Samuel Gandy, một chuyên gia hàng đầu về Alzheimer tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Alzheimer Mount Sinai, cũng choáng váng trước những phát hiện này và không thể tin nổi rằng việc gian lận có thể kéo dài nhiều năm như vậy.

Nghi vấn giáo sư gian lận nghiên cứu: Bệnh nhân ảnh hưởng thế nào? - 2

Vụ bê bối đe dọa làm lung lay niềm tin vào các kết quả nghiên cứu khoa học (Ảnh: Getty).

Một nhà khoa học khác, TS Tim Greenamyre từ Đại học Pittsburgh, cho rằng rất khó để tin rằng GS Masliah không biết về những sai phạm này, dù ông có trực tiếp làm giả hình ảnh hay không.

Với vai trò là tác giả chính hoặc cuối trong hầu hết các bài báo bị nghi vấn, GS Masliah chịu trách nhiệm chính cho nội dung và chất lượng nghiên cứu.

Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng về việc cần phải mở rộng điều tra các công trình của GS Masliah. Một trong những mối lo ngại lớn nhất là sự ảnh hưởng của những nghiên cứu này đến quá trình phát triển thuốc điều trị các bệnh về thần kinh, đặc biệt là Alzheimer và Parkinson.

Những lùm xùm xung quanh các nghiên cứu của GS Masliah có thể ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực nghiên cứu bệnh Alzheimer và Parkinson, đe dọa làm lung lay niềm tin vào các kết quả nghiên cứu khoa học.

Sự việc này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chất lượng và tính minh bạch trong khoa học, đặc biệt là khi các nghiên cứu có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của hàng triệu người.

Khi những phát hiện gian lận được phơi bày, điều đó không chỉ tác động đến các bệnh nhân và gia đình họ mà còn làm giảm niềm tin vào cả hệ thống nghiên cứu và phát triển y tế toàn cầu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm