1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghi án mất con: Sở Y tế “quên” trách nhiệm của những bên liên quan

(Dân trí) - Khởi đầu của việc chẩn đoán 1 thai thành 2 là tại phòng khám Phước Sơn, sai lầm này vỡ lở tại bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Tuy nhiên, “tội lỗi” đều đổ lên đầu bác sĩ Vũ Thị Thu còn trách nhiệm của hai bên liên quan thì bị “bỏ quên”.

Theo kết quả trong sổ khám thai định kỳ Dân trí được gia đình cung cấp thì người đầu tiên chẩn đoán thai phụ Trần Thị Kim Hiên mang song thai không phải BS Vũ Thị Thu mà là BS Nguyễn Thanh Xuân, làm việc tại Bảo Sanh Viện Phước Sơn (phòng khám Phước Sơn). Lần đầu tiên chị Hiên đến đây khám do bị đau bụng, ra huyết. Trong sổ khám thai (không ghi ngày khám) BS Nguyễn Thanh Xuân tiến hành siêu âm và kết luận “thai 6 tuần, dọa sãy” và kê toa thuốc cho thai phụ.

Ngày 11/12/2011 chị Hiên đến khám theo lịch hẹn vẫn là BS Nguyễn Thị Thanh Xuân khám và kết luận thai 6,5 tuần - song thai - đang tiến triển. Ngày 9/3/2012 chị Hiên đến khám thai lần thứ 5. Người thứ hai tại phòng khám Phước Sơn kết luận chị mang song thai là BS Hà Thị Tuyết Nhung. “Song thai khoảng 20 tuần, 2 buồng ối, 2 bánh nhau.” Lần tiếp theo vào ngày 14/4/2012 BS này vẫn chẩn đoán với kết quả tương tự.
 
Không phải người duy nhất chẩn đoán sai nhưng BS Thu một mình gánh hậu quả
Không phải người duy nhất chẩn đoán sai nhưng BS Thu một mình gánh hậu quả

BS Vũ Thị Thu là người thứ 3 khám và chẩn đoán song thai cho thai phụ khi thai kỳ đã ở tuần thứ 34. Ngày 13/7/2012 (hai ngày trước khi sinh mổ) chị Hiên đến khám tại phòng khám sản phụ khoa của BS Vũ Thị Thu, kết quả song thai vẫn không thay đổi. Khi đặt dao mổ bắt con cho chị Hiên tại bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức vị bác sĩ này vẫn kết luận song thai.

“Sai một li, đi một dặm” kết quả chẩn đoán không chính xác ban đầu (theo kết luận của Hội đồng khoa học - PV) đã dẫn đến cái sai của cả một hệ thống từ phòng khám cho đến bệnh viện. Sai lầm chưa từng có trong ngành y tế Việt Nam này không phải của riêng cá nhân BS Thu mà còn có sự “hợp sức” của những cá nhân khác và hơn thế nữa là trách nhiệm quản lý của phòng khám Phước Sơn và bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.

Tuy nhiên, kết luận theo kiểu “trăm dâu đổ đầu tằm” của Sở Y tế thành phố đã quy kết tội lỗi cho một mình cá nhân BS Thu: “BS Vũ Thị Thu mặc dù không gây ra tai biến sản khoa nghiêm trọng ảnh hưởng đến sinh mạng bệnh nhân nhưng trình độ chuyên môn về siêu âm yếu kém dẫn đến kết luận sai trong việc thực hiện siêu âm cho sản phụ. BS Vũ Thị Thu vi phạm quy chế bệnh viện về công tác khám toàn diện, công tác hội chẩn đối với các trường hợp khó chẩn đoán hoặc chẩn đoán chưa rõ ràng”.
 
Dư luận đang chờ đợi hồi kết công tâm từ phía ngành Y tế
Dư luận đang chờ đợi hồi kết công tâm từ phía ngành Y tế

Sở Y tế đã không có một chữ nào nhắc đến trách nhiệm của hai đơn vị trực tiếp quản lý BS Thu là phòng khám Phước Sơn và bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Dư luận đặt ra câu hỏi liệu cách xử lý của ngành y tế đã công tâm? Trách nhiệm quản lý mọi hành vi và hoạt động của bác sĩ khi làm việc tại phòng khám và công tác tại bệnh viện ở đâu? Với 10 lần chẩn đoán sai dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhưng vì sao sở Y tế không tiến hành thanh kiểm tra về chất lượng và năng lực của phòng khám này?

Tin tưởng phó thác sinh mạng của mẹ con chi Hiên cho bác sĩ, gia đình vững tâm chờ đợi sự ra đời của hai đứa trẻ nhưng đột nhiên chỉ có một bé chào đời. Vụ việc khiến họ bị sốc nặng. Sau nhiều lần thất hứa, dự kiến vào 11 giờ trưa 27/7 bệnh viện lại một lần nữa mời gia đình lên để “giải quyết” vụ việc. Liệu gia đình anh Tâm có nhận được câu trả lời cũng như những giải thích và giải quyết hậu quả một cách thấu tình đạt lý từ những lương y?

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm