Nghẹn ngào lời cuối của người cựu binh giúp 2 người mù nhìn thấy ánh sáng
(Dân trí) - Trong những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời, người cựu chiến binh quyết định hiến tặng một phần cơ thể của mình để thắp lên ánh sáng cho 2 cuộc đời.
Trong cabin xe cấp cứu lao thẳng hướng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, ông Vũ Quang Can (71 tuổi, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm) người suy kiệt, môi tím tái. Người cựu chiến binh từng trải qua bom đạn khốc liệt giờ đây đang bước vào cuộc chiến cuối cùng của cuộc đời mình.
Lả dần đi vì bệnh tật nhưng khi nghe bác sĩ chia sẻ về việc hiến giác mạc có thể giúp mang lại ánh sáng cho 2 người mù nếu có chuyện "chẳng may", đôi mắt ông Can như có lửa.
"Giác mạc của tôi, nếu giúp được người khác, tôi sẵn sàng hiến", ông Can nói trong hơi thở gấp. Tâm nguyện cao cả này cũng là lời nói cuối cùng trước khi người cựu chiến binh được đặt ống thở và đi trọn một vòng sinh tử.
Người cựu binh cống hiến trọn đời
Ông Vũ Quang Can, từng là người lính chiến đấu ở chiến trường B. Trở về sau chiến tranh, ông chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học màu da cam. Ông Can sống giản dị và luôn dành trọn tình yêu thương, trách nhiệm cho vợ và các con.
Ông Can và vợ có 4 người con (2 trai, 2 gái). Tuy nhiên, con trai cả đã mất vào năm 1996. Con trai út vì di chứng nặng nề của chất độc màu da cam nên không thể đi lại.
Không dư giả vì có bao nhiêu thu nhập cũng để dành chữa bệnh cho con, nhưng ông Can và gia đình có một cuộc sống trọn vẹn.
Vốn là một người khỏe mạnh nhưng cách đây 4 tháng, ông Can bất ngờ mệt nhiều, sụt cân nhanh. Khi đi khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn, ông được chẩn đoán mắc ung thư phổi tế bào nhỏ.
Bệnh tiến triển nhanh, mỗi tháng, ông Can sụt 10kg và sau đó phải nằm một chỗ vì suy kiệt.
Sáng 20/12/2024, khi xuất hiện khó thở nghiêm trọng, gia đình đã gọi cấp cứu đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng nguy kịch: lơ mơ, tím tái, huyết áp tụt và chỉ số SpO₂ giảm chỉ còn 60%.
Các bác sĩ chẩn đoán ông bị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng và tràn dịch màng phổi cả hai bên.
Dù được thở máy, dùng thuốc vận mạch và điều trị tích cực, tình trạng của ông vẫn diễn tiến xấu. Đến ngày 24/12/2024, sau khi hội chẩn chuyên khoa tim mạch, ông được xác định bị nhồi máu cơ tim cấp, nhưng gia đình từ chối can thiệp xâm lấn vì tiên lượng quá nặng.
Trong những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời, ông Can trở về với tổ ấm của mình. Ông được gắn ống thở để duy trì chút hơi sức còn lại. Tổ tư vấn hiến tạng của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã đến thăm và hỏi lại ông lần cuối về quyết định hiến giác mạc.
Người cựu chiến binh, lúc này chỉ còn da bọc xương, gắng sức gật đầu thay cho di ngôn của mình. Như mọi lần, quyết định của ông luôn được vợ và 3 người con ủng hộ.
Theo BSCKII Đào Thu Huyền, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, khi Tổ tư vấn hiến tạng và giác mạc của bệnh viện gặp ông Can thì tình trạng đã rất nặng.
Khi tư vấn về hiến giác mạc, cũng như giải thích cặn kẽ lợi ích của nghĩa cử này mang lại, không chỉ ông mà tất cả thành viên trong gia đình đều đồng ý ngay.
"Chúng tôi ấn tượng mãi với hình ảnh người cựu chiến binh kiên cường trước bệnh tật và luôn muốn đóng góp cho đời. Dù mắc ung thư, tuổi cao nhưng giác mạc của ông còn rất tốt. Đôi giác mạc ấy sẽ mang lại ánh sáng cho hai người khác, và hơn cả, đó là thông điệp yêu thương mà bác gửi lại cho đời", BS Huyền chia sẻ.
Đêm 24/12/2024, ông Can trút hơi thở cuối cùng. Thực hiện di nguyện của người cựu chiến binh, các cán bộ y tế nhanh chóng tiến hành công tác thu nhận giác mạc.
Từng thao tác được thực hiện khẩn trương nhưng nhẹ nhàng nhất có thể, để người cựu chiến binh yên giấc ngàn thu.
Công tác thu nhận kết thúc, nén đau thương mất mát, gia đình đã trao tận tay hộp đựng giác mạc của ông Can cho đại diện Ngân hàng Mắt.
Bên cạnh giác mạc của người mất được trao, gia đình còn trao đi điều lớn lao khác đó là niềm tin vào y học và hơn nữa là niềm tin vào tình yêu thương con người.
"Ông ấy đã khổ cả đời vì gia đình, giờ ra đi vẫn muốn làm điều tốt đẹp. Tôi và các con hoàn toàn ủng hộ", bà Nguyễn Thị Tứ, người bạn đời luôn sát cánh bên ông xúc động nói.
"Tôi thanh thản khi một phần của ông ấy vẫn còn hiện diện"
Ngôi nhà nhỏ nằm gần bờ đê ở xã Cổ Bi giờ đây yên ắng hơn. Đã gần 2 tuần từ khi ông Can ra đi, bà Tứ vẫn thường hay đứng trước di ảnh chồng thật lâu, chắp tay, miệng lẩm nhẩm những điều còn chưa kịp nói hết với người bạn đời.
Kể những câu chuyện về người chồng, người bố của mình, nhiều lần các thành viên trong gia đình ông Can nước mắt lăn dài nhưng ánh lên sự tự hào.
"Lúc sống, ông đã cống hiến cho đất nước, lúc mất đi, ông vẫn muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho đời. Tôi thanh thản khi một phần của ông ấy vẫn còn hiện diện trên đời, mang lại ánh sáng cho 2 người khác", bà Tứ bùi ngùi, chia sẻ thêm rằng, chồng mình có thể tự hào về di sản sau cùng ông đã để lại chốn trần gian.
Với những người con của ông Can, sống tử tế và biết cho đi là di sản lớn nhất mà bố đã để lại.
Hùng, con trai út của ông Can dù đang chống chọi với bệnh tật nhưng đã quyết định noi gương bố.
Bản thân mang bệnh tật, Hùng hiểu cảm giác của những người bị mù lòa, không nhìn thấy ánh sáng. Hùng nói những người mù còn khổ hơn mình gấp nhiều lần.
"Vì bệnh tật, tôi đã không đóng góp được nhiều. Do đó, khi mất đi tôi muốn mình để lại một giá trị nào đó cho cuộc đời như điều mà bố tôi đã làm", Hùng nói.
Một người hiến tạng cứu được 6-8 cuộc đời
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ở Việt Nam, chúng ta đã thành công trong việc ghép hầu hết các tạng, đã hình thành nên các chuỗi bệnh viện hiến và ghép tạng. Việt Nam cũng là nước có số ca ghép tạng cao nhất Đông Nam Á (trên 1.000 ca).
Các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng ở Việt Nam được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới, với tỉ lệ sống cao, chi phí phù hợp, đem đến niềm tin, hy vọng, cơ hội về cuộc sống mới cho hàng nghìn người bệnh, đặc biệt là với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn vì nguồn hiến tạng còn rất hạn hữu, chủ yếu là người cho sống. Trong khi ở các nước, tạng hiến chủ yếu từ người cho chết não.
Mỗi năm, Việt Nam ghép thận trung bình 1.000 ca, ghép gan trung bình khoảng 100 ca. Với ghép tim, đến nay Việt Nam đã ghép được 90 ca, 13 ca ghép phổi, 2 ca ghép tụy… Nếu tính ghép tạng từ người cho sống, Việt Nam cao hơn Thái Lan, Malaysia và nhiều nước khác (tỷ lệ 9 ca/1 triệu dân).
Nhưng ghép từ nguồn người cho chết não, Việt Nam lại có tỷ lệ thấp nhất khu vực. Theo số liệu thống kê, nước ghép tạng từ nguồn cho chết não cao nhất là Tây Ban Nha, với 49 ca/1 triệu dân. Ở Thái Lan, tỷ lệ này là hơn 6 ca/1 triệu dân, nhưng tại Việt Nam chỉ đạt mức 0,15 ca/1 triệu dân.
Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng, có 2 khó khăn cần được giải tỏa. Thứ nhất, vấn đề không chấp nhận việc "chết không toàn thây" là quan niệm sai lầm. Hiến mô tạng không ảnh hưởng đến việc "tái sinh", mà còn giúp tạo phước, vì thông qua đó cứu được 6-8 người.
Thứ hai, một số người cho rằng, trong vòng 8 tiếng đồng hồ sau khi chết không được đụng vào thi thể, sẽ không tốt cho người mất. Tuy nhiên theo đạo Phật, trong vòng tích tắc sau khi chết, tâm thức đã thoát khỏi cơ thể, không còn cảm giác để nhận biết.
"Giải tỏa được 2 nhận thức này, cộng đồng sẽ đến hiến mô tạng nhiều hơn. Chúng ta cần phải truyền thông để gia đình người chết não thấy giá trị của việc trên, là cơ hội tạo ra sự tái sinh cho người khác ngay trong kiếp sống này, mà không cần chờ đợi sau khi qua đời…", Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.