Nghệ sĩ Anh Vũ: “Tôi chết hụt nhiều lần…”

Tôi đón nhận tin mình sắp gặp thần chết vào năm 2000, khi công việc vẫn còn lơ lửng và chưa có vị trí gì trong làng hài. Ban đầu, thấy bụng đau âm ỉ, thi thoảng lại đi tiêu ra máu, tôi cũng nghi ngờ mình mắc bệnh nhưng không nghĩ đó là nan y.

Nghệ sĩ Anh Vũ: “Tôi chết hụt nhiều lần…” - 1


Tưởng đã chạm cửa địa ngục

 

Cứ ỷ y tại mình làm việc quá sức và stress nên mới lâm vào các triệu chứng như vậy nên tôi không đi khám bệnh ở đâu. Đến tận khi cơn đau hành hạ dữ quá, đang diễn trên sân khấu mà cứ thấy ruột gan như có ai thọc dao vô cắt khứa, tôi mới ngờ ngợ bệnh mình chẳng phải xoàng. Tôi vào bệnh viện khám, siêu âm, chụp X-quang, nội soi “nguyên con”… để tìm coi “thằng bệnh” nào đang núp trong đó. Sau nhiều lần nói xa gần để tránh cho tôi bị sốc, bác sĩ cũng nhẹ nhàng thông báo: “Anh Vũ bị ung thư trực tràng rồi. Để muộn quá, phải phẫu thuật gấp thôi…” Khi đó cátsê một đêm diễn của tôi chỉ tầm 200.000 đồng nên tôi có hơi bi quan. Đã không phát hiện sớm mà cuộc chiến với bệnh lại quá tốn kém, chưa gì đã thấy mình “thua non”. Đang định buông xuôi mọi thứ thì chị Hồng Vân (nghệ sĩ ưu tú Hồng Vân) biết chuyện. Chị đưa tay ra “kéo” tôi về sân khấu kịch Phú Nhuận với mức thù lao đến 500.000 đồng/đêm. Đồng thời, cùng với gia đình, chị động viên tôi hết lời để vào bệnh viện phẫu thuật cho kịp. Mùng bốn tết năm 2000 tôi nhập viện, sáu ngày sau bắt đầu vào ca mổ sinh tử.

 

Cơn mê sau phẫu thuật vừa kết thúc, đang còn mơ màng thì tôi nghe tiếng ba mẹ trò chuyện. Lúc đó, cơn đau từ vết mổ mới thực sự bắt đầu. Vừa đau thể xác, vừa đau lòng khi thấy đấng sinh thành của mình nhỏ nước mắt khóc con, tôi lịm đi cùng với quyết tâm nếu được tiếp tục sống, sẽ không để những người thân của mình đau lòng hơn nữa. Đáng tiếc, vết mổ lần ấy bị nhiễm trùng, phải mổ lại. Lần phẫu thuật thứ hai này, các bác sĩ quyết định mổ sống, chỉ gây tê. Trân mình ra chịu những cơn đau thấu trời, có lúc tôi tưởng mình đã chạm cửa địa ngục rồi.

 

Mọi chuyện vẫn không dừng lại. Sáu tháng liền sau đó là giai đoạn hoá trị. Mỗi tháng, tôi vào viện năm ngày để bác sĩ truyền hoá chất vào mình tẩy đi các tế bào ung thư. Tóc rụng như bị trụng... nước sôi và mặt mũi thì nhăn nhó, mệt mỏi. Từ một anh chàng phổng phao 63kg, tôi sút chỉ còn 55kg. Thi thoảng tôi cũng có trốn viện, chạy ra sân khấu xin diễn một chút để bớt nhớ nghề và quên cơn đau. Khi bày trò trên sân khấu và nhìn khán giả cười, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm đi rất nhiều. Mà thật lòng lúc đó tôi cũng có nghĩ dại, kệ, diễn được bao nhiêu hay bấy nhiêu, biết đâu thuốc không tương thích, bệnh không chữa được thì vĩnh viễn mình không thể lên sân khấu được nữa thì sao?

 

“Những thử thách sẽ khiến cuộc sống không nhàm chán, nó buộc mình phải làm mới tư duy. Điều này có lợi cho sức khoẻ”

 

Sống trọn vẹn cho từng ngày

 

Nhờ trời, tôi bước qua bệnh tật một cách… đoạn tuyệt hẳn, không “si-zu-ờ-gen” gì hết. Cũng bắt đầu từ đó tôi thực hiện chế độ ăn uống khoa học hơn. Tôi ăn nhiều rau quả cho có chất xơ, uống nhiều nước, hạn chế các thực phẩm có tính nhiệt, thịt đỏ… Tất nhiên với một người mê ăn uống đến bị… móm sọm như tôi, phải kiêng khem này nọ đâu có dễ. Nhưng nhờ mẹ tôi, bà đã giúp tôi canh chừng thực đơn từng bữa, chăm tôi như cái thủa còn lên năm, lên ba.

 

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng đủ chất, tôi luyện tập yoga để cơ thể vận động, dẻo dai và cũng để làm chủ tinh thần. Mỗi ngày, ngay khi thức dậy, tôi tập vài động tác, làm chủ hơi thở và sau đó là nghĩ về những điều tích cực, những niềm vui mình có được từ cuộc sống này.

 

Tôi mất bạn nhiều, vì những lý do không đâu, có khi chỉ vì lòng tốt đặt không đúng chỗ nên gia đình và khán giả là chỗ dựa tinh thần cho tôi. Mới đây, chị Hồng Vân quyết định giao cho tôi xây dựng sân khấu kịch Kim Châu. Đi tìm khán giả ở một địa chỉ hoàn toàn mới, lại tọa lạc trên con đường nhỏ Nguyễn Thái Bình (TPHCM) nên việc này là thử thách thực sự với tôi, buộc tôi phải đầu tư nhiều công sức. Tuy nhiên, như lời các bác sĩ, tôi tin những thử thách sẽ khiến cuộc sống của mình không nhàm chán, nó buộc mình phải làm mới tư duy. Điều này có lợi cho sức khoẻ. Chỉ có điều, tôi phải chủ động hơn, không để công việc nó cuốn mình vào stress nữa.

 

Cũng nhờ bệnh mà tôi đã “cho de” luôn bia rượu. Ngày trước, uống không được nhiều nhưng hễ bị khích hay vui quá là tôi nạp cồn vào người không biết điểm dừng. Có lần, say tuý luý rồi mà vẫn lì, chạy xe về nhà. Giữa đường, lao thẳng đến sát cột đèn mới thắng kịp. Điếng hồn nhưng cũng chẳng biết sợ vì từ nhỏ đến lớn, số lần tôi suýt chết đếm ra cũng gần đủ mười đầu ngón tay. “Chết hụt nhiều lần quá, không biết khi nào mới đi thiệt đây” - tôi hay tự hỏi mình như vậy.

 

36 tuổi, chỉ mới chạm đến cái dốc bên kia cuộc đời nhưng những cơn thập tử nhất sinh đã khiến suy nghĩ của tôi chín chắn hơn rất nhiều. Nó buộc tôi quan sát sức khoẻ chính mình, luôn nhắc mình cố gắng hết sức để trọn vẹn trong từng ngày sống, để khi hội ngộ với tử thần, tôi cũng nhẹ lòng mà dừng bước lãng du.

 

Theo SGTT