Nghe kém ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ
(Dân trí) - Nghe kém có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và khả năng tiếp cận thông tin của trẻ nhỏ, thể hiện qua các phương diện như ngôn ngữ, học tập, tâm lý,...
Sự phát triển ngôn ngữ
Khi không được can thiệp thích hợp, ngay cả nghe kém nhẹ cũng có thể gây ảnh hưởng lên sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Điều này thể hiện rõ đối với trẻ nghe kém bẩm sinh hoặc giai đoạn trước khi hình thành ngôn ngữ.
Khả năng nói: trẻ nghe kém thường đọc lệch âm, thay thế âm hoặc bỏ âm. Trẻ thường lạm dụng âm "ơ" để thay cho các âm khác, khó phát âm đúng các phụ âm vô thanh - các phụ âm mà khi phát âm không rung ở cổ họng (như "kh", "ph", "th", "s", …).
Trẻ cũng dễ gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa các âm gần giống nhau (ví dụ "c" - "g", "ph" - "v"). Ngay cả khi đọc được đúng các âm này một cách riêng lẻ, trẻ nghe kém vẫn gặp khó khăn khi tổ hợp các âm này trong câu hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, trẻ có thể không nghe rõ được thanh điệu (ngang, sắc, huyền,…), làm cho trẻ khó phát âm đúng chữ nghĩa. Ngoài ra, trẻ không nghe rõ giọng của mình, trẻ có thể nói quá to hoặc quá nhỏ. Tất cả các yếu tố này làm lời nói của trẻ khó nghe và khó hiểu.
Về từ vựng và văn phạm: Trẻ nghe kém có thể nắm bắt tốt các khái niệm về số lượng và đối tượng cụ thể (như "một bông hoa"), nhưng gặp khó khăn để hiểu được các từ chức năng (như "ở", "tuy nhiên"). Trẻ cũng gặp khó khăn trong việc nắm bắt các khái niệm trừu tượng (như "lý do", "nhiệt độ"). Điều này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phát triển tư duy trừu tượng ở trẻ.
Trẻ nghe kém thường sử dụng những câu ngắn và đơn giản , có thể gặp vấn đề trong diễn giải ngữ pháp (như câu bị động). Những khó khăn này khiến năng lực đọc hiểu văn bản ở các trẻ nghe kém, kém hơn các bé cùng trang lứa. Điều này rõ ràng hơn ở các trẻ không sử dụng ngôn ngữ ký hiệu có đánh vần.
Kết quả học tập - công việc
Trẻ nghe kém không thể tiếp thu đầy đủ thông tin được truyền tải nếu không thông qua các phương tiện giao tiếp đặc biệt. Đối với trẻ đã có vấn đề ngôn ngữ do nghe kém từ nhỏ, học tập trong môi trường lớp học bình thường càng khó khăn. Hậu quả, kết quả học tập của trẻ không theo kịp bạn bè, kèm theo việc khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ hạn chế, ảnh hưởng lớn đến lựa chọn nghề nghiệp sau này.
Cuộc sống hàng ngày
Nghe kém làm hạn chế khả năng nhận biết thông tin của trẻ với thế giới xung quanh. Trẻ có thể không tiếp nhận được các tín hiệu cảnh báo nguy hiểm (tiếng còi xe, hô hoán, tiếng nước sôi,…).
Vấn đề tâm lý - Xã hội
Lời nói là phương tiện giao tiếp trong đời sống. Việc nghe kém làm hạn chế khả năng giao tiếp, trẻ thường khó tương tác tốt với xã hội. Trẻ dễ có cảm giác cô đơn, thua thiệt, dẫn tới tự ti và các vấn đề tâm lý như lo lắng, trầm cảm. Các vấn đề này cần được nhận diện sớm và can thiệp bởi các chuyên gia để trẻ phát triển một cách lành mạnh.
Hạn chế tác động của nghe kém
Ảnh hưởng nặng nề của nghe kém không chỉ xảy đến với trẻ nghe kém hai tai mà còn ở trẻ nghe kém một tai. Nhóm trẻ này hay gặp khó khăn khi giao tiếp trong môi trường ồn và cũng phát triển ngôn ngữ chậm hơn so với trẻ bình thường cùng độ tuổi.
Các biện pháp can thiệp sớm có thể mang đến những cải thiện tích cực cho tương lai của trẻ nghe kém. Thời điểm bắt đầu can thiệp thính lực có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả điều trị, các khuyến cáo hiện nay cho rằng việc can thiệp không nên để muộn quá 6 tháng tuổi.
Hiện có nhiều công cụ hỗ trợ thính lực giúp trẻ tìm lại thính giác. Chương trình phục hồi chức năng thính lực, nhằm nâng cao khả năng nhận biết âm thanh, ngôn ngữ và giao tiếp dành cho trẻ nghe kém. Điều này có thể giúp cải thiện kết quả học tập, tạo điều kiện để trẻ phát triển tư duy trong môi trường an toàn, giúp trẻ phát huy tối đa tiềm năng cá nhân. Do đó, nếu có dấu hiệu nghi ngờ, hãy đưa trẻ khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để bắt đầu can thiệp sớm nhất có thể.