Nghệ An: Phát hiện lợn mắc bệnh Leptô

(Dân trí) - Qua kiểm tra một số mặt hàng thực phẩm tại chợ Hưng Dũng (TP Vinh) ngày 5/11, cán bộ Trạm Thú y thành phố Vinh (Nghệ An) đã phát hiện một lô thịt lợn (trên 190kg) của ông Nguyễn Đức Khanh có dấu hiệu mắc bệnh Leptô.

Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm thịt lợn của ông Nguyễn Đức Khanh (chuyên buôn bán thịt lợn tại chợ Hưng Dũng) đưa đi xét nghiệm và cho kết quả thịt lợn mắc bệnh Leptô, ngay lập tức số hàng 190kg thịt lợn bị mắc bệnh được lập biên bản và tiến hành đào hố cho tiêu huỷ.

 

Được biết, tại thành phố Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, dịch Leptô đã xuất hiện và bùng phát trên diện rộng năm 1991 - 1992, khiến cho hàng trăm ngàn con lợn, trâu, bò… bị chết và thậm chí cả người cũng mắc chứng bệnh này.

 

Leptô (còn gọi là bệnh xoắn khuẩn) là bệnh rất nguy hiểm, dễ lây lan sang các loại động vật khác như chó, mèo, gà, chuột, trâu, bò… Khả năng lây lan trên diện rộng là điều có thể xảy ra và đặc biệt bệnh có thể lây lan sang người.

 

Triệu chứng của bệnh Leptô là sau 3-4 ngày nhiễm bệnh con vật sẽ bỏ ăn, sốt cao, buồn bã…nếu không được điều trị thì con vật sẽ chết ngay lập tức. Riêng ở người khi bị nhiễm bệnh này cũng có các triệu chứng như: da vàng, mắt vàng, nước tiểu đỏ, sốt cách nhật… nguy cơ lây lan sang bệnh gan và nguy cơ tử vong rất cao.

Như vậy, sau 17 năm dịch Leptô đã tái xuất trở lại. BS thú y Lê Đăng Trí, Trưởng phòng Kiểm dịch thú y TP.Vinh cho biết: “Loại bệnh Leptô nếu không phát hiện sớm thì nó sẽ lây lan và bùng phát trên diện rộng là điều có thể xảy ra như hồi năm 1991-1992. Vì vậy, trong những ngày này chúng tôi tiếp tục cho anh em đi làm nhiệm vụ và quyết không để xảy ra sơ suất…”.

 

Cũng theo ông Trí, vi khuẩn Leptô tồn tại trong môi trường sống có đổ ẩm cao như sau mưa lũ hoặc chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột. Để triệt tiêu được loại bệnh này cần một số hoá chất như Xút (NaOH), Iốtđin, Bencôxít, CloramB… Khi lợn bị bệnh Leptô từ 10 - 15 ngày không chết sẽ trở thành con mang vi trùng, thường xuyên đào thải mầm bệnh ra môi trường như nước tiểu, phân… nguồn gốc dẫn tới các ổ dịch lớn. 

 

Để tránh bệnh Leptô lây lan trên diện rộng và sang người, theo ông Lê Đăng Trí, cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa chuột, rắc vôi bột, phân lợn phải được đào hố bỏ hoá chất chôn sâu; không nên ăn tiết canh, không mua thịt lợn có mỡ màu vàng hoặc nấu lên có mùi khét như tóc cháy…

 

Nguyễn Duy