Ngày uống nửa lít rượu, người đàn ông nguy cơ sống thực vật cả đời

Minh Nhật

(Dân trí) - Sau bữa rượu tại nhà, người đàn ông 70 tuổi rơi vào tình trạng hôn mê. Qua gần 1 tháng điều trị, bệnh nhân vẫn sống phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở.

Người đàn ông 70 tuổi, có địa chỉ tại Vĩnh Phúc được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, sốt không rõ nguyên nhân. Trước đó, bệnh nhân này đã được điều trị tại hai bệnh viện khác vì ngộ độc rượu.

Qua khai thác bệnh sử, phía gia đình cho biết, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu nặng nhiều năm liền, mỗi ngày uống 500-700 ml rượu. Tuy nhiên, sau bữa rượu vào ba tuần trước, ông bất ngờ rơi vào trạng thái hôn mê.

Ngày uống nửa lít rượu, người đàn ông nguy cơ sống thực vật cả đời - 1

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu vì ngộ độc rượu.

Gia đình phải đưa ông vào Bệnh viện Bạch Mai để điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc methanol, tổn thương não nặng, xuất huyết não. Những tình trạng này khiến bệnh nhân hôn mê và sống phụ thuộc vào máy thở.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra, các bác sĩ còn xác định ông bị teo cơ, cứng khớp, suy kiệt. Men gan của bệnh nhân cũng tăng gấp 4-5 lần bình thường. Protein, albumin, kali, magie, canxi trong máu giảm xuống mức báo động.

Sau một thời gian điều trị giải độc methanol, bệnh nhân đã thoát nguy kịch và được chuyển xuống bệnh viện tuyến tỉnh để chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh nhân lại xuất hiện tình trạng sốt không rõ nguyên do và rơi vào hôn mê nên đến ngày 2/4 được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Theo BS Nguyễn Đức Minh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nhập viện ngoài tình trạng sốt thì trên người còn có nhiều vùng loét sâu quá biểu bì da. Thậm chí, vết loét rộng nhất lên đến 12 cm, có nhiều mủ viêm quanh.

Ngày uống nửa lít rượu, người đàn ông nguy cơ sống thực vật cả đời - 2

Theo BS Minh, bệnh nhân có nguy cơ cao sống thực vật.

"Kết quả cấy máu và dịch hút phế quản chỉ ra bệnh nhân nhiễm nhiều loại vi khuẩn đa kháng thuốc", BS Minh cho hay.

Để điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ khoa Cấp cứu chỉ định dùng 2 loại kháng sinh phối hợp, chăm sóc đường thở bằng hút đờm, vỗ rung. Hiện tại bệnh nhân vẫn được nuôi qua đường tĩnh mạch. Mặc dù đã đỡ sốt nhưng khả năng phục hồi ý thức rất thấp, nguy cơ sống thực vật cao.

Từ trường hợp đáng tiếc này, BS Minh cảnh báo, methanol là chất cồn công nghiệp thường gặp nhiều trong các loại rượu giả, rượu kém chất lượng. Methanol vô cùng nguy hiểm, khi được hấp thu vào cơ thể, chất này không được chuyển hóa thành sản phẩm bớt độc hơn để thanh thải ra ngoài mà tích lũy nhanh vào bên trong cơ thể, gây tổn thương đa cơ quan như: gan, thận, phổi, não…

"Ngộ độc methanol thường được phát hiện muộn, lúc này đã qua thời gian vàng để điều trị. Do đó, các biện pháp điều trị trở nên kém hiệu quả, thời gian điều trị kéo dài, bệnh nhân dễ gặp biến chứng. Nguy cơ tử vong do ngộ độc methanol rất cao, nếu được cứu sống bệnh nhân cũng đối mặt với nhiều di chứng nặng nề. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người dân không sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tốt nhất nên hạn chế tối đa việc uống bia rượu để tránh ngộ độc, cũng như bảo vệ sức khỏe", BS Minh nhấn mạnh.

Làm gì khi người thân bị ngộ độc rượu?

Theo các chuyên gia, đối với ngộ độc rượu, các biện pháp sơ cứu tại nhà là rất quan trọng để cải thiện tình trạng.

Đối với ngộ độc rượu thông thường (ethanol), nếu nhận thấy bệnh nhân còn tỉnh táo, người nhà nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng, để tránh hít chất nôn vào phổi. Bên cạnh đó, nếu ở khu vực có khí hậu lạnh, cần chú ý đến việc giữ ấm cho bệnh nhân.

Ngày uống nửa lít rượu, người đàn ông nguy cơ sống thực vật cả đời - 3

Để tránh tình trạng hạ đường huyết, cần cho người bệnh ăn các món có chứa nhiều chất bột đường như: cháo, cơm, bún, phở hoặc nước đường, sữa có đường.

Trong suốt thời gian này, người nhà cũng cần thường xuyên theo dõi bệnh nhân, để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Nếu người bệnh không thể ăn uống hoặc có tình trạng nặng như da tái, co giật, run rẩy, thở khò khè, lay gọi không hồi tỉnh,… cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Đối với trường hợp bị ngộ độc cồn công nghiệp methanol, một khi các triệu chứng điển hình như: mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, co giật, hôn mê phát tác thì tình trạng đã rất nặng. Cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt.