TPHCM:

Ngăn chặn ngộ độc bằng chuỗi thực phẩm an toàn

(Dân trí) - Chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn tác động sâu sắc đến nền kinh tế. Thành phố sẽ chủ động đầu tư vốn, kết hợp cùng các tỉnh xây dựng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết thông tin trên tại Hội nghị tổng kết công tác an toàn thực phẩm năm 2012 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 vừa diễn ra tại Sở Y tế.

Với dân số khoảng 10 triệu người, hiện thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, 70% còn lại phụ thuộc vào nguồn hàng hóa từ các tỉnh lân cận. Tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng đang ngày ngày len lỏi xâm nhập thị trường TPHCM.

Thực phẩm an toàn sẽ được bán tại hệ thống siêu thị
Thực phẩm an toàn sẽ được bán tại hệ thống siêu thị

Bất chấp nỗ lực của các đơn vị liên quan, năm 2012 trên địa bàn thành phối vẫn xảy ra 5 vụ ngộ độc tập thể tại 8 công ty khiến ít nhất 582 công nhân phải nhập viện cấp cứu. Đầu tháng 3 năm 2013, tình trạng trên tiếp tục tái diễn khi 148 công nhân đang làm việc tại công ty Terratex Việt Nam đóng trên địa bàn quận 12 trúng độc do sử dụng thức ăn kém chất lượng.

Ông Hứa Ngọc Thuận nhận định, ngộ độc thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn tác động sâu sắc đến nền kinh tế quốc dân. Hậu quả của vấn đề này sẽ là khôn lường nếu khách du lịch e ngại, nhà đầu tư dè chừng khi muốn tham quan hoặc đầu tư vào TPHCM. Để ngăn chặn tình trạng trên, thành phố đã xây dựng đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”.

Đề án được triển khai tại các cơ sở nông sản, thực phẩm trên địa bàn TPHCM và các tỉnh thành như: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre…

Theo đó, trong giai đoạn từ 2013 đến 2015 thành phố sẽ chủ động đầu tư vốn cho các tỉnh tham gia đề án để mua sắm trang thiết bị cây con giống phục vụ sản xuất. Các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá, trứng… sẽ được sản xuất, nuôi trồng và bao tiêu theo mô hình hướng dẫn của TPHCM. Thành phẩm của đề án sẽ được bao tiêu tại các chợ và hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố và luôn đảm bảo sự ổn định của giá thành so với giá thị trường.

Ông Hứa Ngọc Thuận kỳ vọng từ nay đến 2015 đề án sẽ từng bước hoàn thành và ổn định sản xuất, trong giai đoạn 2015 đến 2018 ít nhất 50% đến 60% thực phẩm cung cấp cho thị trường thành phố sẽ nằm trong chuỗi thực phẩm an toàn.

Vân Sơn