1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nến thơm - Lợi hay hại?

Với những quảng cáo như tạo cho căn phòng mùi thơm như ở cánh đồng hoa, hay mùi hoang dã của thảo nguyên mênh mang… Nến thơm đang hiện trở thành mốt của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng sản phẩm này, bạn có thể đang rước họa vào căn phòng mình.

Tiền nào của nấy

 

Dạo quanh một vòng thị trường nến thơm tại Hà Nội mới thấy sự đa dạng, phong phú của sản phẩm này. Nến được làm nhiều màu sắc, hình dáng như dạng truyền thống nến cây dài, hoặc cách điệu là hình dáng phù hợp với từng ngày lễ, hội.

 

Do nến được làm từ sáp, nhựa thông, với đặc tính dễ uốn, xử lý theo khuôn mẫu từ đó, nhà sản xuất có nhiều cách lựa chọn cho hình dáng nến, đáp ứng yêu cầu người sử dụng. Ví dụ, với ngày lễ tình yêu, ngày 8/3 sẽ có nến thơm hình trái tim, bông hoa, thần tình yêu cùng cây nỏ thần…Với ngày lễ Noel thì đa phần nến có hình ông già Noel, cây thông…Hình dáng đã phong phú như vậy nhưng mùi thơm của nến chẳng hề thua kém.

 

Chị Vy, bán hàng quà tặng ở phố Kim Liên cho biết, nếu nước thơm, nước hoa có mùi gì thì nến thơm cũng sẽ có mùi đó, nghĩa là các nhà sản xuất sẽ đáp ứng nhu cầu tối đa của “thượng đế”.

 

Tuy nhiên, khảo sát thì chủ yếu nến thơm có mùi tự nhiên như hương chanh, bạc hà, vani…những mùi càng gần thiên nhiên thì càng được ưa chuộng. Giá bán của những loại nến này cũng rất phong phú: có hàng nhập ngoại giá tính theo ngoại tệ, quy ra tiền Việt cả triệu đồng nhưng cũng có loại sản xuất thủ công, giá chỉ trên 10.000đ.

 

Tuy nhiên, một người bán hàng tại phố Hoàng Hoa Thám bật mí: đừng tham của rẻ mà mua họa vào thân. Những nến được làm thủ công thường có mùi rất hắc, hương thơm này không thật như hương thơm tự nhiên. Anh này cũng thừa nhận, nếu ngửi lâu, lắm lúc anh cũng cảm thấy chóng mặt.

 

Hương thơm tổng hợp - con dao hai lưỡi

 

Nến thơm có nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau để phù hợp với từng ngày lễ hội

 

Về ảnh hưởng mùi thơm từ hương liệu của nến thơm, khoa học thế giới đã chứng minh: ước tính có khoảng 2% dân số thế giới mắc phải chứng dị ứng với hương liệu. Những tác dụng phụ hay gặp của hương liệu là: viêm xoang, đau đầu, nghẹt mũi, ngứa họng, đau mắt, gây choáng ngợp, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến quá trình mang thai, chứng hay quên, bệnh ung thư…

 

Đặc biệt, có rất nhiều chất trong các sản phẩm có hương thơm có độc tính đối với cơ thể như toluen, aeton, focmaldehit, dẫn xuất của benzen, metylen clorua trong đó nhiều chất đã được chứng minh có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh, tổn thương hệ thần kinh…

 

Tác hại thường thấy của việc lạm dụng hương thơm đó là nó có thể gây kích phát các cơn hen (suyễn) nhiều khi rất trầm trọng ở cả người lớn lẫn trẻ em, thường xảy ra đối với các loại hoá chất có mùi thơm tổng hợp từ hóa chất.

 

TS Trần Hữu Hoan, Viện Hóa học công nghiệp cho biết: Tốt nhất tránh xa các loại nến có mùi thơm. Mùi càng thơm càng có nhiều hóa chất độc hại. Theo quan điểm của TS Hoan, nếu đã là hóa chất thì chắc chắn việc sử dụng không ít thì nhiều đều có độc hại.

 

Hóa chất là con dao hai lưỡi, cần phải là người sử dụng thông minh để tránh bị lưỡi dao chém phải. Thế nên, các nhà sản xuất trước khi đưa sản phẩm lưu hành trên thị trường đều phải có kiểm nghiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

 

Có một thực tế là, khó có thể sản xuất nến dùng hoàn toàn tinh dầu tự nhiên vì loại nguyên liệu này rất đắt, lại không kết hợp tốt với sáp nến. Tinh dầu tự nhiên lại thường dễ bay hơi và không thể dùng để làm nến nếu không pha thêm chất ổn định.

 

Vì vậy, đa số nến thơm sử dụng các hương liệu tổng hợp, trong số đó, không loại trừ cả những hương liệu có thể gây ngộ độc. Cần lưu ý, trong quá trình sống, cơ thể tích lũy các hóa chất có mùi theo thời gian đến mức đủ nhiều thì khi chỉ hít thêm một lượng nhỏ nữa cũng có thể gây những triệu chứng vừa nêu mà điều này thì một phần do sự lạm dụng của hương thơm trong nhiều loại sản phẩm.

 

Theo Nga Lê

Khoa học & Đời sống