Nấu cháo thêm đậu xanh, hạt sen, gừng tươi… tốt cho sức khỏe
(Dân trí) - Trong mùa hè, ăn cháo đậu xanh, cháo hạt sen giúp thanh nhiệt giải độc, tránh được cảm nóng, cháo thuốc tía tô cũng có thể giải cảm.
Cháo là một món ăn chủ yếu dùng gạo và nước khi nấu. Với người Việt, cháo là một trong hai món ăn thường ngày nhất. Cháo dễ nấu, dễ ăn, dễ hấp thu và dễ tiêu hóa, đặc biệt tốt cho người già và trẻ nhỏ, người bệnh.
Cháo đặc biệt tốt với trẻ dưới 3 tuổi chức năng tiêu hóa chưa hoàn thiện, người già, người bệnh, các cơ quan suy giảm, đặc biệt cơ quan tiêu hóa, do đó ăn không đủ dinh dưỡng, năng lượng nên ngày càng gầy yếu, cơ thể suy kiệt.
Bởi cháo là sản phẩm nấu từ gạo mà ra, nó nhừ nát nên dễ hấp thu, dạ dày không phải co bóp nhiều để nghiền nát thức ăn.
Trong quá trình phát triển cháo thuốc còn được dùng cho những người muốn giảm cân, tăng cường sức khỏe, làm đẹp.
BSCK Bùi Đức Quảng, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), cho biết, cháo thuốc là cháo kết hợp với dược liệu y học cổ truyền nhằm tăng cường sức khỏe, tăng cường miễn dịch cho người bệnh từ đó phòng ngừa bệnh tật.
Cháo thuốc cung cấp năng lượng, các dưỡng chất cần thiết như chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất đạm... Điều này giúp bổ sung nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể trong từng giai đoạn.
Cháo thuốc giúp người bệnh nhanh hồi phục, tăng cường miễn dịch cho trẻ nhỏ và người già. Nó cũng giúp tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe, giúp người chơi thể thao nhanh phục hồi cơ bắp và tái tạo năng lượng sau khi tập luyện.
Cháo thuốc có tác dụng chính là bồi bổ cơ thể, nâng cao sức khỏe, hỗ trợ điều trị các bệnh, giảm sự mệt mỏi và suy nhược.
Ví dụ, mùa hè ăn cháo đậu xanh, cháo hạt sen giúp thanh nhiệt giải độc, tránh được cảm nóng; cháo thuốc tía tô cũng có thể giải cảm. Người bệnh viêm phổi thấy khô miệng, khát, ho khan nên ăn cháo bách hợp, gừng tươi, sơn trà...
Phụ nữ sau sinh cơ thể suy nhược, thiếu máu, muốn tiết sữa nuôi con có thể ăn cháo đương quy… Người do khí huyết kém nên ăn cháo nhân sâm, cháo hoàng kỳ, cháo long nhãn….
Để cháo thuốc có hiệu quả tác dụng tốt nhất với những vị thuốc khác nhau sẽ có những cách sử dụng với cháo. Chẳng hạn, đại táo, mễ nhân, hạnh đào, bách hợp, nhãn... đều có thể cho vào cùng gạo để nấu thành cháo. Bối mẫu, khiếm thực... nghiền thành bột mịn rồi nấu cùng với gạo thành cháo để sử dụng.
Bạn cũng có thể sắc thuốc đông y rồi gạn lấy nước đặc cho vào cùng gạo nấu thành cháo để ăn. Cách thức này rất hay sử dụng trong các món cháo đương quy, cháo hoàng kỳ, cháo khiếm thực...
Theo bác sĩ, tùy vào loại cháo thuốc mà cần khống chế độ đặc hay loãng của cháo. Về dụng cụ nấu, tốt nhất bạn nên sử dụng nồi đất nung, cũng có thể dùng đồ tráng men thay thế. Không nên sử dụng nồi bằng nhôm hay sắt để nấu vì sẽ xảy ra một số phản ứng hóa học giữa nồi và một số vị thuốc trong quá trình chế biến.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lưu ý theo dõi độ lửa đun sao cho phù hợp. Có loại thuốc dễ bay hơi nên khi nấu cháo cần duy trì lửa nhỏ, hoặc không nên đun lâu vì sẽ làm bay hơi quá nhiều các thành phần của thuốc.
Tuy nhiên, cũng có những loại cần sử dụng lửa to khi chế biến cần đun thời gian lâu như các vị thuốc là trân châu, long cốt. Với các thuốc là hoa khi đun lại cần lửa to cho sôi nhanh rồi chuyển sang lửa nhỏ đun cho chín.
Khi sử dụng cháo thuốc để bồi bổ cơ thể phải tùy theo thể chất, bệnh tình, thời tiết, địa lý... mà chọn lựa loại cháo thuốc sao cho hợp lý, như vậy mới đạt hiệu quả cao. Chẳng hạn, miền Bắc nhiệt độ tương đối thấp cần ăn các loại cháo ôn bổ. Miền Nam khí hậu ấm áp, ẩm nhiều nên ăn các loại cháo bổ mát và cháo giải ẩm.
Đồng thời cần chú ý một số vị thuốc nấu cháo có tính độc, khi chế biến cần phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.