Nằm viện 20 ngày vì một ngụm dầu máy trong chai C2

(Dân trí) - Đi chơi về, đang khát nước thấy chai C2 trên mặt bàn bé N.T.N (4 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) liền tu một ngụm. Vừa được ngụm nước thì cô bé ho sặc sụa, mặt tím tái…

Những tai nạn đáng tiếc vì hóa chất
 
Ngay lập tức, bé N được gia đình đưa đến bệnh viện đa khoa huyện Sơn Tây. Tại đây, bé N được bác sĩ khám, xác định viêm phổi do hóa chất (dầu máy sặc vào phổi) và được điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, sau một ngày ngày bệnh nhi vẫn sốt cao (40 độ) liên tục, khó thở, thở nhanh nên đã được chuyển lên khoa Nhi (BV Bạch Mai) hôm 12/6.
 
Nằm viện 20 ngày vì một ngụm dầu máy trong chai C2
Chỉ vì uống một ngụm dầu máy đựng trong chai C2 mà bệnh nhi phải nằm việc điều trị gần 20 ngày vì viêm phổi do hóa chất. Ảnh: H.Hải

BS Trương Văn Quý, khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng sốt cao 40 độ, thở rút lõm lồng ngực, tím tái khi ho, khóc.

Mẹ của bệnh nhi cho biết, khoảng 17 giờ ngày 10/6 bé đi chơi về. Thấy chai C2 trên mặt bàn bé cầm uống mà không ai biết. Đến khi thấy con ho sặc dữ dội, tím tái mặt mày, tay cầm chai C2 thì ai cũng hoảng hốt bởi đây là chai dầu máy mà người thợ vừa mang đến để sửa máy cho gia đình. Loại dầu máy có màu trong đựng trong chai C2 nên bé ngỡ là chai nước uống được, đang khát nên lấy uống luôn.

BS Quý cho biết, bệnh nhân viêm phổi do hóa chất rất nghiêm trọng, phải nằm điều trị tại phòng cấp cứu 7 ngày, điều trị kháng sinh, thở ôxy mới được ra phòng ngoài. Tuy nhiên, do viêm phổi hóa chất, dầu máy sặc vào phổi không tự tiêu nên tình trạng viêm phổi rất nặng, bé thở khó khăn, rút lõm sâu lồng ngực.

Đến hôm nay, sau gần 20 ngày điều trị thì tình trạng viêm phổi mới dần ổn định, bệnh nhân ổn định hết sốt nhưng vẫn còn ho.

“Viêm phổi do hóa chất rất nguy hiểm. Như với bệnh nhân này, chỉ một ngụm dầu máy nhỏ gây sặc khiến phổi bị tổn thương. Tổn thương phổi do hóa chất còn có thể gây các ổ áp xe nhỏ, gây hoại tử tại ổ áp xe, khi đó việc điều trị khó khăn, kéo dài hơn rất nhiều”, BS Quý cho biết.

Trước đó hôm 11/6 khoa Nhi cũng tiếp nhận bé gái 3 tuổi (Hà Nội) cũng bị sặc do hóa chất để trong chai đựng nước thông thường. May mắn bé gái này uống ngụm nhỏ và nhổ ra được nên chỉ bị viêm phổi nhẹ, được kê thuốc điều trị ngoại trú.

Còn mới đây tại BV Nhi Trung ương đã phải phẫu thuật nội soi cắt đi 2/3 dạ dày của một bé trai 7 tuổi (Quảng Ninh) cũng do vừa đi ở ngoài đường về, thấy chai Lavie để trước sân nhà, nghĩ là nước uống bé liền tu ừng ực.

Đến khi bé phát hiện là axit loãng để để đổ bình ắc quy thì đã hết nửa chai. Hinh ảnh nội soi dạ dày cho thấy bệnh nhi bị bỏng dạ dày và hẹp môn vị sau uống axít. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ liên tục nôn, thể trạng suy kiệt. Các bác sĩ đã cắt bỏ hết 2/3 đoạn dạ dày của bệnh nhi nhằm giải quyết triệt để nguyên nhân và phòng diễn biến ung thư hóa về sau. Hay có bé bé viêm phổi nặng vì dầu luyn sặc vào phổi cũng do gia đình đựng dầu luyn trong chai nước ngọt. Dầu luyn đặc sánh, khi vào phổi sẽ ngấm vào các nhánh phế quản và nhu mô phổi do tan trong mỡ, khiến việc điều trị càng khó khăn.

Thói quen nguy hiểm

Ths.BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cảnh báo, những tai nạn uống nhầm hóa chất (từ axit loãng, dầu máy, dầu hỏa, thuốc sâu, thuốc diệt cỏ…) đựng trong các chai, lọ đựng nước uống như nước Lavie, trà xanh, C2… là khá phổ biến. Bệnh viện đã từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp uống nhầm hóa chất, thậm chí cả thuốc trừ sâu do người lớn đựng trong các chai lọ này mà trẻ không biết nên uống nhầm và gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Các bác sĩ cảnh báo, việc vô ý sử dụng các chai lọ vốn quen đựng thực phẩm để đựng hóa chất, các loại thuốc dễ gây ra những tai nạn ngộ độc nguy hiểm. Bởi trẻ nhỏ vốn hiếu động, lại thấy những chai chứa loại nước vốn rất hấp dẫn với trẻ sẽ thường vội vàng uống ngay mà không ý thức được cần kiểm tra bên trong chai nước là dung dịch gì. Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng nhầm, thấy chai nước nghĩ là uống được liền cầm lên tu ừng ực, khi phát hiện ra thì nhiều khi đã theo “đà” tu mất cả nửa chai.

Để phòng nguy cơ ngộ độc xảy ra với trẻ, cần bỏ thói quen tận dụng chai lọ đựng thực phẩm để  hóa chất, dung dịch nguy hiểm. Những dung dịch này cũng phải để xa tầm với của trẻ, cất kỹ. Các em nhỏ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc trong quá trình vui chơi. Không để trẻ tự chơi một mình, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Còn khi không may xảy ra, cần nhanh chóng cho trẻ xúc miệng để loại bỏ chất ăn mòn, hóa chất còn nằm lại trong miệng, rồi đưa trẻ đi cấp cứu ngay vì trẻ có thể bị viêm phổi, bỏng… do các hóa chất nguy hiểm này. Tuyệt đối không tự ý gây nôn cho trẻ có thể gây sặc, tổn thương nặng hơn… mà hãy đưa nhanh đến viện để được các bác sĩ xử lý.

Hồng Hải