Mục sở thị các "chiến binh máy" tham gia chống dịch Covid-19 trên tuyến đầu
(Dân trí) - Lực lượng chống dịch Covid-19 tại nơi tuyến đầu: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mới đây đã kết nạp thêm 3 "chiến binh" đặc biệt, đó là các robot y tế tiên tiến với nhiều khả năng đáng kinh ngạc.
Để tiếp sức cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, mới đây Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã trao tặng cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 3 robot y tế hiện đại có thể trở thành cánh tay đắc lực cho các y, bác sĩ trong công tác giao tiếp, chẩn đoán và điều trị từ xa.
Hiện tại, robot đã được đưa vào sử dụng thực tế tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện và đã đem lại những giá trị thiết thực cho công tác chống dịch.
Là người trực tiếp sử dụng robot, BS Trần Văn Bắc – Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Đây là loại robot hiện đại đã được sử dụng tại các bệnh viện ở Mỹ. Robot có thể được điều khiển từ xa thông qua điện thoại và máy tính cá nhân của các y, bác sĩ. Với hệ thống camera, mic đàm thoại và màn hình cảm ứng tích hợp, robot có thể giúp cán bộ y tế tương tác từ xa với bệnh nhân một cách rất hiệu quả.”.
Theo phân tích của chuyên gia này, với những khả năng kể trên, robot rất hữu dụng trong công tác chống dịch Covid-19 nói riêng và cả các bệnh truyền nhiễm nói chung.
Cụ thể, với các bệnh nhân ở tình trạng nhẹ, y, bác sĩ có thể điều khiển robot đến từng phòng bệnh để theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân, cũng như thăm hỏi tương tác với người bệnh.
“Khả năng này giúp hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế vì không phải tiếp xúc trực tiếp. Bên cạnh đó, tăng cao hiệu suất công việc cho lực lượng y tế, khi 1 bác sĩ cùng lúc có thể chăm sóc cho nhiều bệnh nhân. Bên cạnh đó, thông qua robot, bác sĩ có thể yêu cầu các nhân viên y tế thực hiện can thiệp cần thiết. Ví dụ như khi thấy bệnh nhân thở nhanh thì nâng tần số thở oxy hỗ trợ” – BS Bắc cho biết.
Với những trường hợp bệnh nhân nặng, điển hình như các ca Covid-19 mà khoa Cấp cứu đã tiếp nhận trong thời gian vừa qua, đương nhiên vẫn cần có sự túc trực của các y, bác sĩ nhưng robot vẫn có thể hỗ trợ đắc lực bằng cách tạo cầu nối để các chuyên gia y tế, hội đồng chuyên môn của Bệnh viện theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân, quan sát nhịp thở, mức độ tổn thương, tình trạng suy hô hấp của người bệnh.
Từ thực tế điều trị, BS Bắc chia sẻ: “Vừa qua, khi khoa Cấp cứu tiếp nhận 1 bệnh nhân Covid-19 có tình trạng suy hô hấp nhẹ phải thở oxy, thì robot đã thể hiện được những ưu điểm của mình. Chẳng hạn như các điều dưỡng, bác sĩ có thể đứng bên ngoài phòng cách ly để trao đổi trực tiếp với người bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có thể điều khiển robot di chuyển xung quanh người bệnh để quan sát kĩ hơn tình hình sức khỏe của họ”.
Được biết, thời gian hoạt động liên tục của robot rơi vào 5-6 giờ đồng hồ. Điểm đặc biệt là robot này có thể tự động di chuyển đến vị trí sạc khi pin gần cạn.
Ngoài các nhiệm vụ mà robot đang thực hiện trong công tác chống dịch Covid-19 lần này, theo BS Bắc, trong tương lai có thể ứng dụng robot trong rất nhiều nhiệm vụ y tế khác.
“Điển hình là việc ứng dụng robot trong công tác khám chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa. Khi đó, các chuyên gia y tế không cần trực tiếp đến tại địa phương vẫn có thể thực hiện chẩn đoán, thăm khám cho các bệnh nhân, đặc biệt là các ca bệnh khó” – Chuyên gia truyền nhiễm này nhấn mạnh.
Minh Nhật
Ảnh: UNDP