1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Mùa” dịch tai xanh, nhiều bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn

(Dân trí) - Sau 17 ngày nằm viện hôn mê phải thở máy vì bị nhiễm trùng máu nặng, sốc toàn thân do nhiễm liên cầu khuẩn lợn, đến chiều 29/4, anh Nguyễn Văn Hương (Phổ Yên, Thái Nguyên) mới thều thào nói được.

“Mùa” dịch tai xanh, nhiều bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn - 1
Sau 17 ngày nằm viện điều trị tích cực, bệnh nhân Hương mới qua được cơn nguy kịch do nhiễm trùng huyết nặng vì liên cầu khuẩn lợn (Ảnh: H.Hải)
 
Tiết canh, nem chạo rất nguy hiểm

Anh Hương không nhớ lần gần nhất anh ăn tiết canh lợn là ngày nào nhưng thỉnh thoảng, anh vẫn ăn. Chỉ nhớ, trưa 13/4, anh bỗng nhiên sốt cao đột ngột, kèm theo đau bụng, đi ngoài liên tục. Sau khi được gia đình đưa lên bệnh viện Thái Nguyên, rồi lại được chuyển thẳng xuống Viện các bệnh nhiệt đới quốc gia ngay sau đó một ngày, người thì mệt mỏi rã rời, lại kèm sốt cao, đau đầu, đặc biệt ở toàn thân (nhất là vùng đầu, hai tay, hai chân) xuất hiện rất nhiều nốt đỏ thâm, hoại tử bốc mùi khó chịu, anh cứ dần lịm đi và không nghĩ mình còn có thể sống sót.

BS.ThS Nguyễn Trung Cấp, khoa Điều trị tích cực (Viện các bệnh nhiệt đới quốc gia) cho biết, bệnh nhân này bị nhiễm trùng huyết nặng, vào viện trong tình trạng huyết áp đã tụt, tiền sốc. “Phải rất vất vả chúng tôi mới giành giật lại tính mạng bệnh nhân với tử thần, vì tình trạng nhiễm trùng quá nặng. Đến nay, tuy đã qua cơn nguy kịch, nhưng những ban hoại tử trên da bệnh nhân vẫn còn rất rõ, đang se lại và lên da non”, BS Cấp nói.

Còn bệnh nhân Lê Văn Đức (35 tuổi ở Thuận Thành, Bắc Ninh) lại bị một dạng bệnh khác mà liên cầu khuẩn lợn gây ra: viêm màng não. Bệnh nhân này cũng không nhớ rõ tiền sử tiếp xúc với lợn nhưng anh vẫn thường xuyên chế biến, ăn thịt lợn.

Bệnh nhân Đức cũng có biểu hiện bệnh từ hôm 13/4, với biểu hiện đau đầu, nôn nhiều nhưng trên người không hề xuất hiện ban đỏ. Sau 5 ngày đau đầu, nôn anh mới nhập bệnh viện tỉnh Bắc Ninh điều trị. Hai ngày điều trị ở viện tỉnh không đỡ, bệnh nhân được chuyển thẳng lên Viện các bệnh nhiệt đới quốc gia và được khẳng định viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn.

Khi phát hiện nguy cơ thịt lợn ốm, bệnh, chết thì tốt nhất là không nên ăn.

 

Hiện nhiều người dân khi nghe đến dịch bệnh lợn tai xanh, bệnh liên cầu khuẩn lợn thì không dám ăn thịt lợn. Thực tế, khi thịt được nấu chín thì vi khuẩn hoàn toàn bị tiêu diệt.

 

Điều cần lưu ý là phải thận trọng khi chế biến thịt lợn: Nên sử dụng găng tay ni-lon khi rửa, thái thịt.

BS Cấp cho biết, bình thường vi khuẩn này vẫn cư trú ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Nhưng khi con lợn nhiễm vi-rút lợn tai xanh thì sức miễn dịch bị suy giảm khiến vi khuẩn liên cầu phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho lợn.

Trong khi đó, người nông dân cứ thấy con lợn có biểu hiện ốm là vội vàng bán thịt. Vì thế, rất khó nhận biết thịt con lợn bị viêm phổi, nhiễm trùng huyết do khuẩn liên cầu, do trên da lợn cũng chưa có biểu hiện xuất huyết.

Khi mổ thịt những con lợn bệnh này, hoặc đi tiêu hủy mà không đúng cách, rồi chế biến thịt trước khi đun nấu, thậm chí có nhiều người do không biết lợn bệnh nên vẫn ăn các sản phẩm tươi sống từ con lợn như tiết canh, lòng lợn, nem chạo… khi đó cơ thể người sẽ hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống. Đặc biệt trên những nền bệnh nhân như tiểu đường, suy gan, nghiện rượu… thì liên cầu khuẩn lợn càng dễ gây bệnh.

Theo BS Cấp, thường bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn xảy ra quanh năm, bất cứ thời điểm nào. Nhưng vào “mùa” dịch lợn tai xanh thì số lượng lợn bị bệnh liên cầu lợn nhiều hơn, nên số người mắc căn bệnh này cũng “vượng” trong đợt dịch lợn tai xanh. Khi con lợn bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thì vi khuẩn này không còn khu trú nguyên ở vòm họng nữa, mà nó tấn công sang các các cơ quan phủ tạng khác, đó là nguyên nhân khiến ăn phải thịt những con lợn đã biểu hiện bệnh thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn những con mang vi khuẩn nhưng chưa biểu hiện bệnh.

Vẫn có thể tái nhiễm

BS Cấp cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người thường là một trong ba thể: thể viêm màng não giống như các viêm màng não mủ khác, thể nhiễm trùng huyết và thể thứ 3 là kết hợp cả hai.

Tùy mắc thể bệnh nào mà bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau. Như khi bị viêm màng não, bệnh nhân có thể sốt, đau đầu, nôn, buồn nôn, tri giác lơ mơ dần dẫn đến hôn mê. Còn nếu bị nhiễm trùng huyết, người bệnh sốt cao đột ngột, có tình trạng nhiễm trùng nặng, có thể nhanh chóng tụt huyết áp, sốc. Thường những người có cơ địa yếu dễ bị thể nhiễm trùng huyết hơn và thể bệnh này rất nguy hiểm, dễ diễn tiến nhanh thành nhiễm độc toàn thân gây suy sụp nhiều phủ tạng và có biểu hiện đặc trưng là xuất hiện các ban hoại tử trên da.
 
“Mùa” dịch tai xanh, nhiều bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn - 2
Những ban hoại tử trên tay, chân của anh giờ mới dần se lại (Ảnh: H.Hải)

Đáng nguy hiểm là từ khi tiếp xúc, ăn phải thịt lợn bệnh, thời gian khởi phát bệnh rất nhanh. Tại Viện các bệnh nhiệt đới quốc gia đã từng ghi nhận bệnh nhân khởi bệnh nhanh nhất, chỉ sau 16 tiếng ăn thịt lợn bệnh.

“Căn bệnh này còn có tính chất lây dễ dàng qua đường tiêu hóa (ăn phải thịt lợn, nem chạo, tiết canh chưa được nấu chín) mà còn lây qua đường tiếp xúc. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm bệnh xuất phát ngay từ quá trình chế biến, thái, rửa thịt lợn (vì chân tay có thể có những xước xát không phát hiện và vi khuẩn liên cầu lợn có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết tổn thương này). Hầu như các bệnh nhân bị nhiễm căn bệnh này đều có tiếp xúc với lợn”, BS Cấp nói.

Thêm một điểm cần lưu ý là đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau. Vì căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài cho cơ thể. 
 
Hồng Hải