Mù mắt vì bất cẩn trong lúc móc dây chun buộc hàng

(Dân trí) - Trong khi đang kéo dây chun có móc sắt là hình lưỡi câu nhọn để chằng đồ, bất ngờ chị bị tuột tay, dây chun bắn lại khiến đầu móc sắt đập thẳng vào mắt khiến chị N.T.Hằng (44 tuổi, Giao Thủy, Nam Định) bị mù mắt phải.

Mắt phải của bệnh nhân mù hoàn toàn do móc nhọn của dây buộc hàng móc vào. Ảnh: T.A
Mắt phải của bệnh nhân mù hoàn toàn do móc nhọn của dây buộc hàng móc vào. Ảnh: T.A

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết, bệnh nhân được đưa vào viện chiều muộn ngày 12/3 trong tình trạng chảy máu ở mắt phải, chấn thương sâu do vật nhọn móc vào. Dù đã được mổ cấp cứu, nhưng vì tổn thương nghiêm trọng của mắt phải, các bác sĩ chỉ có thể khâu, vá để cố giữ lại hình dáng cho mắt, đỡ khiến người bệnh tự ti về thẩm mỹ còn về thị lực thì không thể cứu vãn. Cú móc vào mắt quá mạnh, sâu của móc sắt từ dây chun buộc hàng đã khiến mắt phải chị bị mù hoàn toàn.

Hiện vẫn đang nằm điều trị tại Chấn thương, Bệnh viện Mắt Trung ương chị Hằng vẫn chưa hết bàng hoàng sau tai nạn bất ngờ. Chị Hằng cho biết chị từ Nam Định lên Hà Nội làm nghề đồng nát đã được 5 - 6 năm nay. Ngày nào mà chị chẳng phải giằng kéo dây chun để buộc hàng. Chiều 12/3, do xe hàng đầy, chị nhờ một người giữ xe còn chị dùng dây chun có đầu móc sắt để buộc hàng. Đang ra sức kéo, chằng mạnh bất ngờ sợi dây bị tuột, đầu móc sắt văng đập luôn vào mắt phải khiến chị choáng váng, đau đớn. Được mọi người gọi ngay taxi lên Bệnh viện Mắt Trung ương cấp cứu nhưng khả năng cứu vãn thị lực gần như không còn. Hiện nay dù đã mổ nhưng chị vẫn còn rất đau nhức, cơn đau kéo lên cả đầu.

BS Hoàng Cương cho biết bệnh nhân có thể xuất viện sau khoảng 1 tuần điều trị nữa. 

Không chỉ bị mù vĩnh viễn mắt phải, điều các bác sĩ lo ngại là bệnh nhân có thể bị biến chứng nhãn viêm giao cảm. Có nghĩa là tình trạng viêm từ mắt phải lây sang mắt lành, có thể gây giảm thị lực thậm chí mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Đây là một phản ứng quá mẫn chậm, tự miễm với những kháng nguyên tổ chức võng mạc. Vì thế, sau khi xuất viện bệnh nhân sẽ vẫn phải đi khám định kỳ ít nhất là trong 2 năm đầu tiên. Còn với mắt đã bị mù bệnh nhân có thể thay mắt giả để bảo đảm yếu tố thẩm mỹ.

BS Cương cho biết, tai nạn do đầu nhọn sắt của móc dây chun buộc hàng khá hay gặp phải. Mỗi năm viện tiếp nhận khoảng 10 ca tai nạn tương tự và thường để lại di chứng nặng cho thị lực. Bởi đầu móc sắt rất nhọn, lại thường bị văng khi đang ở lực kéo mạnh nên gây chấn thương rất nặng. 

“Những tai nạn trong sinh hoạt, lao động có thể gây chấn thương bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, với mắt cũng vậy. Không ít trường hợp chấn thương mắt do tai nạn lao động, sinh hoạt hàng ngày khiến người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe cũng như thẩm mỹ, có trường hợp phải phẫu thuật múc bỏ mắt, rồi giảm thị lực, mù lòa... Vì thế, trong lao động, sinh hoạt mọi người cần phải hết sức chú ý bảo vệ mắt bằng kính bảo hộ lao động, lưu ý an toàn lao động để hạn chế nguy cơ có thể xảy ra”, BS Cương nói.

Theo thống kê, có đến 90% tai nạn mắt có thể phòng tránh được, 50% phòng tránh đơn giản là đeo kính khi ở trong điều kiện nhạy cảm cho mắt. Tai nạn xảy ra mọi lúc mọi nơi. Thế nhưng ở nhà là nhiều nhất 47%, khi vui chơi nhất là chơi thể thao là 15%, 16% do công việc, tai nạn giao thông là 12%, 14% là trong các hoàn cảnh khác.

Nếu chẳng may tai nạn, tuyệt đối không nên vội mà làm bừa, không nên ấn đè mạnh hay day dịt vết thương ở mắt; Không nên cố gắng tự lấy dị vật đang ở trên mắt; Không tự tra nhỏ thuốc hay tra thuốc mỡ vào mắt

Còn khi bị chất lỏng bắn vào mắt gây tổn thương bỏng như dầu mỡ, axit thì nên rửa mắt dưới vòi nước khoảng 15 phút.

Với vết thương có chảy máu chỉ nên băng che, vết thương có sưng nề và bầm tím có thể đắp đá hoặc nước lạnh.

Còn khi bị bụi vào mắt có thể nhúng mắt vào bát hoặc cốc nước, mở mắt to và chớp mắt 4-5 lần để bụi trôi ra và hãy ghi nhớ cần đến khám mắt ở cơ sở chuyên khoa gần nhất.

Hồng Hải