1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Một trẻ thập tử nhất sinh vì nhiễm tụ cầu vàng qua vết xước nhỏ

(Dân trí) - Ngứa toàn thân, nhất là hai cẳng chân sau đợt sốt, không kìm được, bệnh nhi đã gãi trầy xước dọc hai cẳng chân... Không ngờ, qua những vết xước nhỏ này, vi trùng tụ cầu kháng thuốc xâm nhập khiến cậu bé phải trải qua 45 ngày thập tử nhất sinh...

Từ vết xước ngoài da, bé trai 12 tuổi nhiễm tụ cầu vàng thập tử nhất sinh

Từ những vết xước ngoài da, bệnh nhi đã nhiễm tụ cầu vàng kháng thuốc, trải qua 45 ngày điều trị trong bệnh viện mới qua nguy kịch. Ảnh: H.Hải

Ngày 27/10, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhi Nguyễn Văn Linh đã thoát khỏi tình trạng thập tử nhất sinh sau gần 45 ngày điều trị.

BS Trương Văn Quý, khoa Nhi (BV Bạch Mai), cho biết, ngày 14/9 bệnh nhi Nguyễn Văn Linh (12 tuổi, Phúc Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội) được chuyển đến khoa Nhi trong tình trạng nghi nhiễm trùng huyết bởi trẻ sốt cao liên tục, khó thở, huyết áp tụt, có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn. Trước khi được chuyển viện 3 ngày, bệnh nhân sốt cao, được y tế tuyến dưới chẩn đoán sốt vi rút. Tuy nhiên sau 3 ngày bệnh, cháu bé có biểu hiện ngứa, nổi ban toàn thân, đau khớp háng và sốt cao liên tục nên đã được chuyển viện.

"Câu hỏi được đặt ra là vi khuẩn xâm nhập vào đường nào? Nhiễm vi khuẩn gì? Đây là một vấn đề không dễ ở y tế tuyến dưới. Khi thăm khám toàn thân, những vết xước da rất nhỏ, đã liền xẹo ở hai cẳng chân cháu bé khiến chúng tôi rất chú ý. Nhiều khả năng, vi khuẩn tụ cầu vàng đã xâm nhập qua những vết xước này gây tình trạng nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi", TS Dũng nói.

Với kinh nghiệm điều trị, các bác sĩ nhận định khả năng nhiễm khuẩn đường huyết vào từ da lớn nhất là tụ cầu vàng. Vì thế, không đợi kết quả cấy máu, các bác sĩ đã quyết định dùng kháng sinh theo kinh nghiệm, bởi chậm giờ nào, tình trạng bệnh nhân nguy hiểm thêm giờ ấy, do đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tràn khí màng phổi làm bệnh nhân càng suy hô hấp, khó thở phải vào thở máy. Kết quả cấy máu sau đó cũng khẳng định chẩn đoán này, bệnh nhân nhiễm trùng máu do tụ cầu vàng.

Vậy nhưng kể từ khi quyết định chọn kháng sinh chữa tụ cầu thế hệ 2 (do tình trạng bệnh rất nặng, bệnh nhân tổn thương phổi, cơ) điều trị nhưng sau 3-5 ngày trẻ vẫn sốt cao, các bác sĩ phải đổi kháng sinh thế hệ 3, loại thuốc cuối cùng dùng điều trị tụ cầu vàng.

"Thế nhưng chưa kịp dùng thuốc, bệnh nhân đã bị biến chứng phổi: tràn khí màng phổi, làm bệnh nhân càng suy hô hấp trầm trọng. Bệnh nhân phải mở phổi trái đặt dẫn lưu hút khí và mủ. Kết hợp với kháng sinh điều trị, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện", TS Dũng cho biết.

Chiến lược điều trị đã đúng nhưng phải cả tháng sau tình trạng bệnh nhân mới dần ổn định. Đến nay, hai phổi bệnh nhân đã gần như bình thường. Bệnh nhân được cho tập thở giúp phục hồi chức năng của phổi ngay tại viện và có thể xuất viện vài ngày tới.

Theo TS Dũng, với những trường hợp tụ cầu vàng kháng thuốc gây biến chứng nặng chữa không đơn giản. Hơn 10 năm qua ông mới gặp lại một trường hợp diễn biến nặng như vậy. Bởi ở các bệnh nhân thông thường, tổn thương mụn, mủ ngoài da rất dễ dàng cho chẩn đoán và tụ cầu không kháng thuốc điều trị rất hiệu quả. Với ca bệnh này, mắc từ cộng đồng mà bị tụ cầu kháng thuốc là một điều rất đáng cảnh báo cho tình trạng lạm dụng kháng sinh như hiện nay. Nếu cứ dùng thuốc kháng sinh bừa bãi thì không chỉ người thường xuyên dùng kháng sinh mà người ít dùng cũng bị ảnh hưởng. 

Chữa vi khuẩn tụ cầu hiện chỉ có 3 nhóm kháng sinh, không có nhiều thuốc để chữa trị. Nếu đến nhóm thứ 3 cũng bị kháng thuốc, điều trị bệnh nhân sẽ rất gian nan, tốn kém (do phải kết hợp kháng sinh, thời gian điều trị lâu, gây độc nhiều hơn cho bệnh nhân) thậm chí người bệnh không thể qua khỏi vì không đáp ứng điều trị.

“Những vết xước, tổn thương da tuy nhỏ nhưng đôi khi rất nguy hiểm. Bởi bình thường, vi khuẩn tụ cầu vàng cư trú trên da nhưng không gây bệnh. Nhưng nếu có các vết xước, mụn trên người, cơ thể có sức đề kháng yếu, vi khuẩn tụ cầu có thể xâm nhập và gây bệnh nhiễm trùng máu”, TS Dũng cảnh báo.

Vì thế, không nên coi thường các tổn thương ngoài da. Khi có bệnh về da liễu, cần mặc thoáng, sạch sẽ, bôi thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ đề phòng nhiễm trùng. “Cũng cần lưu ý, trước khi bôi phải rửa tay thật sạch với xà phòng, đề phòng vi khuẩn có trong “bàn tay bẩn” có thể xâm nhập qua các vết tổn thương từ da vào máu, gây nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm. Khi tổn thương trên da có hiện tượng bội nhiễm, tấy đỏ, nổi mủ, trẻ có sốt… cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, điều trị vì có thể đó là những dấu hiệu viêm da bội nhiễm, cần có bác sĩ chỉ định thuốc phòng bội nhiễm nguy hiểm”, BS Trương Văn Quý cho biết.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm