Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau truyền hóa chất

(Dân trí) - Hóa trị hiện nay là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến. Tuy nhiên khi truyền hóa chất người bệnh có thể gặp phải một số phản ứng phụ như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, mất ngủ...

Dưới đây là một số lời khuyên để quá trình chăm sóc người thân trong và sau hóa trị bớt căng thẳng và hiệu quả hơn.

Về chế độ dinh dưỡng

- Hóa trị giúp người bệnh thoát khỏi ung thư nhưng hóa trị cũng làm hao mòn cơ thể người bệnh chính vì vậy dinh dưỡng lúc này đóng vai trò rất quan trọng.

- Ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 - Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm: Thịt, cá, tôm, cua, ngũ cốc, rau xanh, đặc biệt là rau họ cải, hoa quả, sữa ít chất béo, uống nhiều nước và uống 2-3 cốc nước hoa quả mỗi ngày, như trái cây thuộc họ cam quýt, bưởi…

Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau truyền hóa chất - 1

- Đối với người bệnh bị loét miệng sau truyền hóa chất nên ăn đồ mềm, loãng, ăn ít và ăn nhiều bữa.

- Đối với người bị buồn nôn và nôn sau truyền hóa chất hãy cho người bệnh ăn ít hơn hoặc có một số đồ ăn nhẹ (ngũ cốc, phomai, bánh quy…), đơn giản có thể ăn ngay khi cảm thấy đói. Ngậm hoặc uống một ít nước hay một số loại nước hoa quả trong mát.

- Những thực phẩm hạn chế dùng: đậu nành, chất béo từ động vật, sữa giàu chất béo, thịt ướp muối, ngâm giấm và hun khói.

- Những thực phẩm không nên dùng: cafe, rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có ga, thực phẩm cay nóng.

Về khả năng miễn dịch

Hầu hết các loại hóa chất điều trị ung thư đều ảnh hưởng đến tủy xương, từ đó làm giảm khả năng tạo bạch cầu của người bệnh. Trong khi đó bạch cầu là những tế bào tiêu diệt vi khuẩn, từ đó duy trì sức đề kháng và miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Quá trình hóa trị có thể làm suy giảm sức đề kháng của người bệnh. Vì vậy chúng ta cần giữ vệ sinh sạch sẽ để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

- Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ngủ.

- Vệ sinh cơ thể hàng ngày bằng nước ấm, không chà xát da và lau khô da bằng khăn mềm. Chú ý vệ sinh sạch sẽ và nhẹ nhàng vùng hậu môn sau khi đi đại tiện.

- Sử dụng bàn chải đánh răng có lông bàn chải mềm. Súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch súc miệng không chứa cồn 2-3 lần/ ngày hay ngay sau khi ăn.

- Không nên đến những nơi tập trung đông người, tránh tiếp xúc với người có vấn đề về sức khỏe như cúm, sởi, cảm, thủy đậu…

- Cẩn thận khi sử dụng vật sắc nhọn như dao, dao lam, kim… hạn chế làm tổn thương da. Mang găng tay khi làm vườn hoặc chăm sóc cho gia súc vật nuôi.

- Khi da bị tổn thương cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn, sử dụng các loại thuốc làm lành vết thương.

Luyện tập tăng cường thể lực sau hóa trị

Nhiều người bệnh ngại vận động sau hóa trị bởi họ lo lắng các bài tập khiến họ mệt mỏi và mất sức. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng luyện tập phù hợp sẽ giúp bạn tăng cường thể chất, cải thiện chức năng miễn dịch, cải thiện giấc ngủ, và khả năng tập trung, kiểm soát triệu chứng mệt mỏi. Bạn có thể tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ, nghe nhạc, đọc sách, đi chơi với bạn bè hoặc gia đình.

Một số điểm cần lưu ý:

- Không lao động nặng, mang vác nặng đặc biệt là bên tay mổ vú (đối với bệnh nhân ung thư vú).

- Giữ ấm cơ thể vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Tuyệt đối không mang thai trong quá trình điều trị hóa chất.

Gọi cho bác sỹ khi gặp phải các vấn đề sau:

- Dấu hiệu nhiễm trùng như: sốt, ớn lạnh, hoặc vã mồ hôi.

- Tiêu chảy nhiều không hết hoặc phân có máu.

- Buồn nôn hoặc nôn nặng.

- Không có khả năng ăn hoặc uống.

- Phát ban hoặc mụn nước.

- Vàng da, vàng mắt.

- Đau bụng.

- Nhức đầu rất nặng hoặc không hết.

- Ho càng ngày càng ngày càng nặng.

- Khó thở, thở gấp ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi.

- Nóng rát khi bạn đi tiểu.