Một phụ nữ lập kỷ lục hiến 172 lít sữa mẹ cho trẻ sinh non
(Dân trí) - Không tiết lộ danh tính của người phụ nữ tốt bụng nhưng phía bệnh viện cho biết chị đang nắm giữ kỷ lục hiến sữa mẹ nhiều nhất phía Nam. Hoạt động mang đầy tính nhân văn này đang giúp những em bé sinh non, không được bú sữa mẹ có được nguồn dưỡng chất cần thiết.
Đó là thông tin vừa được Bệnh viện Từ Dũ cho biết ngày 12/11 nhân tổng kết 6 tháng hoạt động của Ngân hàng Sữa mẹ tại bệnh viện. Theo đó, sau 6 tháng vận hành, Ngân hàng Sữa mẹ vận động được 135 người mẹ hiến tặng sữa, bệnh viện đã tiếp nhận nguồn sữa hiến tặng từ 120 người mẹ.
Nhóm những người tham gia hiến sữa mẹ có 42 người có con sinh non đang điều trị tại khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ và 78 người mẹ ở cộng đồng. Các mẹ đã hiến tặng cho Ngân hàng Sữa mẹ tổng cộng 2.056 lít. Người phụ nữ tốt bụng đã hiến 172 lít sữa của mình cho những bé kém may mắn đang nắm giữ kỷ lục về lượng sữa mẹ được hiến tặng nhiều nhất từ một người ở khu vực phía Nam.
Sau 6 tháng chính thức đi vào hoạt động, ngân hàng sữa mẹ đã chạy được 235 lượt thanh trùng sữa, trung bình 2 lượt mỗi ngày và 6 ngày trong tuần mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng của trẻ.
Đến nay, đã có 2.768 trẻ sơ sinh được dùng sữa mẹ thanh trùng, trong đó có 1.609 trẻ sơ sinh bệnh nặng. Có 25 trường hợp được sử dụng miễn phí vì gia đình nghèo, mẹ bệnh nặng hoặc mẹ tử vong. Trong số đó có 1 trường hợp mẹ là người Campuchia, gia đình khó khăn. Mỗi ngày, khoa Sơ sinh sử dụng trung bình 14 lít sữa mẹ thanh trùng để chăm sóc cho nhu cầu dinh dưỡng của các bé.
Ngân hàng Sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ chính thức khai trương vào ngày 10/4/2019, được xây dựng từ nguồn vốn phát triển sự nghiệp của bệnh viện với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của sáng kiến Alive and Thrive thuộc tổ chức FHI 360 và tài trợ một phần kinh phí xây dựng từ quỹ Irish Aid của chính phủ Ireland. Các quy trình của Ngân hàng sữa mẹ được xây dựng dựa trên các hướng dẫn của Anh quốc và Hiệp hội Ngân hàng sữa mẹ Bắc Mỹ. Ngân hàng Sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ được đánh giá có quy mô lớn nhất Đông Nam Á về cơ sở vật chất và công suất.
BS Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh cho biết: "Nhờ có Ngân hàng Sữa mẹ, nhiều trẻ sinh non đã được cứu sống. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cực non và non tháng tại bệnh viện đã được cải thiện từ khi tất các bé được sử dụng sữa mẹ ruột hoặc sữa mẹ thanh trùng, không còn sử dụng sữa công thức. Tỷ lệ tử vong của nhóm trẻ cực non dưới 28 tuần tuổi thai đã giảm được khoảng 20% so với trước khi có Ngân hàng sữa mẹ".
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho trẻ dùng sữa mẹ đã góp phần nâng cao ý thức về nuôi con bằng sữa mẹ của các bà mẹ có con điều trị tại khoa Sơ sinh. Các bậc cha mẹ nhận thức được giá trị và vai trò quan trọng của sữa mẹ nên có ý thức hơn trong việc giữ gìn nguồn sữa mẹ và tích cực gửi sữa mẹ vào giường bệnh cho con. Ngân hàng sữa mẹ cũng hỗ trợ tích cực cho các bà mẹ trong việc hướng dẫn cách vắt sữa, cách bú mẹ hiệu quả. Thời gian trung bình sử dụng sữa mẹ thanh trùng của trẻ điều trị tại khoa Sơ sinh đã giảm từ 9,7 ngày lúc Ngân hàng Sữa mẹ mới khai trương xuống còn 5,1 ngày khi ngân hàng đi vào hoạt động.
Dự kiến, thời gian tới, bệnh viện sẽ mở rộng mạng lưới để có thể cung cấp sữa mẹ thanh trùng cho trẻ sơ sinh bệnh nặng đang điều trị tại các bệnh viện Nhi Đồng trong thành phố bị thiếu hụt nguồn sữa mẹ. Ngoài ra, mạng lưới ngân hàng sữa mẹ cũng sẽ mở rộng về khu vực các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, tạo cầu nối để những người mẹ thiện nguyện ở khu vực hiến tặng sữa mẹ, góp phần cứu sống trẻ sinh non.
Vân Sơn