Một người tử vong, 7 người nguy kịch vì ăn trứng cóc

(Dân trí) - Đêm ngày 20/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình tiếp nhận cùng lúc 7 bệnh nhân từ tuyến huyện chuyển đến trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn món ăn chế biến từ trứng cóc, một người trước đó đã tử vong.

Trước đó, một gia đình đã chế biến bọc trứng cóc nấu với gừng để làm thức ăn. Gia đình có 9 thành viên thì cả 8 người ăn đều biểu hiện nôn mửa, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt và sau đó là khó thở. Tất cả được đưa đến Trung tâm y tế huyện, trong đó một bệnh nhân 37 tuổi đã tử vong.

Một người tử vong, 7 người nguy kịch vì ăn trứng cóc - 1

Hiện 7 bệnh nhân đã qua nguy kịch nhưng vẫn cần chăm sóc đặc biệt. 

7 người còn lại được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Theo bác sĩ, 7 bệnh nhân vào viện trong tình trạng nôn liên tục, đau bụng, chóng mặt, khó thở, một số có biểu hiện co giật, ảo giác. Khoa Cấp cứu đã huy động tối đa nhân lực đến hỗ trợ cho kíp trực, khoa Hồi sức tích cũng đã huy động một kíp trực thường trú. 

Các bệnh nhân nhanh chóng được bơm rửa dạ dày để loại bỏ chất độc, dùng các chất tẩy rửa đường tiêu hoá để loại bỏ chất độc ra khỏi đường ruột và các thuốc để điều chỉnh các rối loạn khác.

Hiện tại, 7 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang phải điều trị và chăm sóc đặc biệt.

TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khuyến cáo, người dân không nên chế biến món ăn từ cóc vì sự nguy hiểm của các chất độc có trong một số bộ phận trên cơ thể cóc. Trên da, tổ chức dưới da, trứng, gan, ruột của cóc rất độc do có chứa nọc độc (bufotoxin) gồm nhiều độc tố nguy hiểm, như: bufotalin, bufotonin, bufotenin.

Chúng có thể gây rối loạn nhịp tim nặng, ngừng tim và ức chế hô hấp dẫn đến tử vong nhanh.

Thành phần độc tố thay đổi tuỳ theo loài cóc. Độc tố xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ra ngộ độc cấp tính. Độc tố hấp thu qua da bình thường, nhưng gây ra dị ứng, bỏng rát ở mắt, niêm mạc người.

Theo Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc xảy ra do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc. Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 - 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia). 

Người bệnh có thể thấy chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy, hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thấttruỵ tim mạch, rối loạn cảm giác, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim… Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc...

Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời. Nếu người bệnh còn tỉnh táo thì cần chủ động gây nôn, chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu. 

Nếu muốn sử dụng thịt cóc để ăn cần loại bỏ cóc tía (cóc có mắt màu đỏ), thịt cóc theo đúng quy trình (cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch), chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm.

Nam Phương