Một ngày tại "công xưởng" truy tìm virus SARS-CoV-2

Minh Nhật

(Dân trí) - Cởi bỏ độ đồ phòng hộ đã trùm kín cơ thể, BS Duyệt tranh thủ ăn bữa trưa, sau ca làm việc kéo dài 10 tiếng. Lúc này là 4 rưỡi chiều, hộp cơm được chuẩn bị từ trước đó 5 tiếng đã nguội ngắt.

Một ngày tại "công xưởng" truy tìm virus SARS-CoV-2

Một ngày tại công xưởng truy tìm virus SARS-CoV-2 - 1

TS Lê Văn Duyệt, Trưởng phòng xét nghiệm Vi sinh – Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

“Anh em phòng xét nghiệm đã quen với điều này. Cường độ làm việc cao, việc cơm nước chúng tôi chỉ xem như “thủ tục”, chứ không còn bận tâm đến mùi vị” – Trưởng phòng xét nghiệm Vi sinh – Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mở lời.

Hướng chúng tôi về góc xa, nơi có một người đồng nghiệp đang tựa đầu vào kệ tủ để ngủ, ông nói tiếp: “Thú thực bây giờ chúng tôi chỉ thèm ngủ. Hôm qua, cả đội thức đến 3 giờ sáng để làm xét nghiệm, sáng nay 7 rưỡi đã vào ca mới. Nên cứ có mươi, mười lăm phút tạm nghỉ là anh em tranh thủ chợp mắt ngay”.

Một ngày tại công xưởng truy tìm virus SARS-CoV-2 - 2

Hôm trước, lực lượng xét nghiệm thức đến 3 giờ sáng để làm việc, sáng nay 7 rưỡi đã vào ca mới.

Nhịp độ làm việc như vậy đã được duy trì trong suốt nhiều tuần qua, khi phòng Xét nghiệm Vi sinh – Sinh học phân tử nhận nhiệm vụ chia lửa cho các điểm nóng trên cả nước, khiến nơi đây trở thành một “công xưởng” truy tìm virus SARS-CoV-2 đúng nghĩa.

“Công xưởng” truy tìm virus SARS-CoV-2

Bên cạnh xét nghiệm cho các bệnh nhân và trường hợp tiếp xúc gần đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện, phòng xét nghiệm Vi sinh – Sinh học phân tử còn nhận nhiệm vụ hỗ trợ cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC) tổng cộng 10.000 mẫu và CDC Nghệ An cũng đang gửi lên cơ sở này mỗi ngày 500 mẫu.

Một ngày tại công xưởng truy tìm virus SARS-CoV-2 - 3

Nhận nhiệm vụ chia lửa cho các điểm nóng trên cả nước, khiến nơi đây trở thành một “công xưởng” truy tìm virus SARS-CoV-2 đúng nghĩa.

Thời hạn để trả kết quả trung bình là 2 ngày kể từ khi tiếp nhận mẫu, cá biệt có những trường hợp phải hoàn thành tất cả chỉ trong 1 ngày. Để bắt kịp tiến độ này, phòng xét nghiệm Vi sinh – Sinh học phân tử hiện đang hoạt động với công suất hơn 1000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày.

“Thứ giúp chúng tôi vẫn còn đứng vững trước khối lượng công việc khổng lồ, trong khi lực lượng lại rất mỏng chính là những kinh nghiệm đã đúc rút được trong giai đoạn trước của dịch Covid-19” – TS Duyệt chia sẻ.

Một ngày tại công xưởng truy tìm virus SARS-CoV-2 - 4

phòng xét nghiệm Vi sinh – Sinh học phân tử nhận nhiệm vụ hỗ trợ xét nghiệm cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC) tổng cộng 10.000 mẫu và CDC Nghệ An cũng đang gửi lên cơ sở này mỗi ngày 500 mẫu.

Theo phân tích của chuyên gia này, lực lượng xét nghiệm SARS-CoV-2 của Phòng gồm có 9 người sẽ được phân làm 3 nhóm, mỗi nhóm làm việc liên tục trong 3 tuần.

Từng thành viên trong nhóm lại phụ trách một công đoạn riêng, phối hợp nhuần nhuyễn và khoa học với nhau. Cách phân phối nhân lực này giúp tăng tối đa năng lực xét nghiệm của Phòng, cũng như đảm bảo có thể tiếp tục cuộc chiến với giặc Covid-19 trong một thời gian dài.

Nơi máy móc cũng phải “cúi đầu” trước sức người

Mặt đỏ ửng, áo quần ướt sũng mồ là hình ảnh quen thuộc của các kỹ thuật viên khi cởi bỏ lớp trang phục phòng hộ sau ca làm việc. Với những người nhận nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý mẫu bước đầu, đôi bàn tay thậm chí còn mất cảm giác sau khi bóc cả ngàn lớp đóng gói của các mẫu bệnh phẩm được CDC địa phương gửi lên.

Một ngày tại công xưởng truy tìm virus SARS-CoV-2 - 5

phòng xét nghiệm Vi sinh – Sinh học phân tử hiện đang hoạt động với công suất hơn 1000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày.

“Chúng tôi đang phải chạy đua với dịch bệnh”, đó là cách TS Lê Văn Duyệt nói về áp lực đang đè nặng lên vai của lực lượng kỹ thuật viên xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong những ngày này.

Một ngày tại công xưởng truy tìm virus SARS-CoV-2 - 6

“Chúng tôi đang phải chạy đua với dịch bệnh” - TS Duyệt nhấn mạnh.

Chuyên gia này phân tích: “Hệ thống phải được vận hành liên tục. Tuy nhiên, máy móc lại có những giới hạn nhất định. Mỗi máy chỉ có thể chạy 5-6 tiếng sau đó cần được nghỉ và thay phiên bằng máy dự phòng”.

Một ngày tại công xưởng truy tìm virus SARS-CoV-2 - 7

Các máy xét nghiệm chỉ có thể chạy liên tục 5-6 tiếng, sau đó lại phải nghỉ và thay phiên bằng máy dự phòng

Trên tuyến đầu chống dịch, “nghỉ khi bị quá tải” là đặc ân dành riêng cho máy móc. Bởi với các kỹ thuật viên, không có lực lượng dự bị, chỉ cần một người rời vị trí, toàn bộ dây chuyền sẽ phải ngừng lại.

 "Là một trong những mắt xích đầu tiên của chuỗi liên hoàn các giải pháp khống chế dịch, chúng tôi không được phép chậm trễ" - TS Duyệt nói - “Cả nhóm bắt đầu công việc lúc 7 giờ sáng nhưng khi máy móc bị trục trặc gây dồn mẫu thì 4-5 giờ sáng đã phải vào ca, để kịp tiến độ. Ngoại trừ 1 tiếng nghỉ buổi trưa, anh em thường phải làm việc liên tục đến tối muộn”.

Mỗi kết quả âm tính là một niềm vui

“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện tại có lẽ là gia đình” – TS Lê Văn Duyệt bộc bạch.

Một ngày tại công xưởng truy tìm virus SARS-CoV-2 - 8

Lên tuyến đầu chống dịch, mỗi người lại phải gác tổ ấm của mình sang một bên

Mở cho chúng tôi xem bức ảnh chụp kỷ niệm của toàn bộ thành viên trong Phòng, ông bắt đầu kể về đôi vợ chồng trẻ, người làm xét nghiệm SARS-CoV-2, người phân tích chỉ số hóa sinh đều cùng trực chiến trên tuyến đầu phải gửi con cho bà chăm sóc; một nữ đồng nghiệp khác, chồng gọi điện báo con sốt cao nhưng không thể nghe máy vì đang mặc đồ phòng hộ để làm nhiệm vụ, tối hôm đó chị không nuốt nổi cơm vì tự trách mình.

“Nhiều thử thách nhưng chúng tôi cũng có những niềm vui đặc biệt mà công việc mang lại” – Giọng nói của vị trưởng phòng bất chợt vui lên.

Chỉ vào tập giấy kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 đang chuẩn bị trả xuống các khoa, phòng, TS Duyệt tiếp lời: “Chúng tôi theo dõi sát kết quả xét nghiệm theo từng đợt của mỗi bệnh nhân. Có người sau 5 lần xét nghiệm thì hôm nay đã cho kết quả âm tính, điều này mang đến cho anh em rất nhiều hy vọng”.

“Vui nhất là làm ra kết quả âm tính lần thứ 3. Biết bệnh nhân đã khỏi, họ sắp sửa được về nhà với gia đình thì chúng tôi cũng phấn khởi theo và xem đó là động lực để tiếp tục chiến đấu”, TS Duyệt chia sẻ.