Một giải Nobel hai cống hiến

Hôm nay 10/12 là ngày trao các giải Nobel tại Stockholm (Thuỵ Điển). Vào ngày này năm 1990, bác sĩ Donnall E. Thomas cha đẻ của ghép tuỷ xương nhận giải Nobel Y học cùng với bác sĩ Joseph E. Murray, người khơi dòng ghép tạng.

Đã cống hiến lớn lao cho đời, hai lão ông như rủ nhau về cõi vĩnh hằng. Thomas vừa qua đời ở thành phố Seattle (Mỹ) ngày 20/10 ở tuổi 92. Murray 93 tuổi tiếp bước hôm 26/11 tại bệnh viện Brigham thành phố Boston (Mỹ), nơi ông thực hiện ca ghép thận lịch sử.

 

Bác sĩ Thomas đã mở ra một kỷ nguyên mới: ghép tuỷ xương trở thành cách điều trị ung thư máu và các loại bệnh máu khác. Từ cuộc ghép thận đầu tiên thành công của bác sĩ Murray, đã có hàng trăm ngàn cuộc ghép tạng nhiều loại được thực hiện trên toàn thế giới.

 

Chăm chăm hồi phục tuỷ xương

Một giải Nobel hai cống hiến

 

Tuỷ xương là nhà máy sản xuất các tế bào gốc. Các tế bào này phát triển thành các tế bào của máu như hồng cầu, các bạch cầu và tiểu cầu. Rối rắm trong tuỷ xương có thể gây bệnh nặng, thậm chí mất mạng. Mắc bệnh như là ung thư máu (bệnh bạch cầu), thì tuỷ xương “không khoẻ”. Hoá trị nặng tay và xạ trị được dùng giết các tế bào ung thư, đồng thời phá huỷ tuỷ xương. Cần ghép tuỷ xương lành của người khác nhằm hồi phục tuỷ xương bệnh.

 

Cha đẻ của ghép tuỷ xương. Bác sĩ Donnall Thomas bắt đầu nghiên cứu ghép tuỷ xương trên chó. Thật kiên trì, dẫu gặp nhiều thất bại và bị nhiều bài xích, cùng với kíp nghiên cứu gọn nhẹ có cả Dotlie vợ ông, Thomas theo đuổi việc ghép tuỷ xương suốt những năm 1960 và 1970. Năm 1969, ông đã thực hiện được cuộc ghép tuỷ xương thành công đầu tiên giữa cặp sinh đôi. Sáu năm sau thành công dùng tuỷ ghép của người cho không phải là bà con. Đúng lúc này, các nhà nghiên cứu khác đã hoàn thành các phương pháp chọn mô phù hợp người cho người nhận. Năm 1979, Thomas báo cáo trị khỏi hơn phân nửa số người bệnh được ghép có dùng thuốc đặc trị.

 

Ghép tế bào tuỷ xương không cần một cuộc mổ. Các tế bào tuỷ xương lành được hút ra, thường lấy từ bờ trên xương chậu (mào chậu) của người cho. Sau khi phá huỷ tuỷ xương của người bệnh bằng cách chiếu xạ toàn thân hoặc thuốc chống ung thư, các tế bào tuỷ xương lành được truyền vào người bệnh giống như là truyền máu. Các tế bào gốc tuỷ xương làm hồi phục tuỷ xương của người nhận, liên tục sản sinh các tế bào máu bình thường, từ đó trị được các bệnh về máu. Ghép tuỷ xương trở thành liệu pháp chuẩn điều trị nhiều người mắc ung thư máu (bệnh bạch cầu), ung thư hạch (lymphôm) và một số bệnh về máu.

 

Khơi dòng ghép tạng

 

Một giải Nobel hai cống hiến


Ý tưởng về ghép tạng có từ lâu rồi, ngay cả thời cổ Hy Lạp. Nhưng cho đến giữa thế kỷ 20, lấy bộ phận từ cơ thể người này chuyển sang cho người kia vẫn là điều kỳ bí hay là khoa học giả tưởng. Con người có hai trái thận, mà chỉ cần một để sống. Như là trời cho để ghép. Thận là tạng đầu tiên được ghép thành công.

 

Những năm 1950, bác sĩ Joseph E. Murray và êkíp ở bệnh viện Brigham, thành phố Boston, thành công ghép thận trên chó. Thế rồi họ có một bệnh nhân, Richard Herrick đang sắp chết vì bệnh suy thận nặng. Ronald hiến một trái thận để ghép cho Richard. Họ là một cặp “sinh đôi y hệt”. Cuộc mổ thực hiện vào tháng 12.1954. Thật ngon lành, không phải là vật lạ với cơ thể của Richard, thận của Ronald không bị thải bỏ. “Sau mổ, trái thận ghép hoạt động tức thì và có sự cải thiện tuyệt vời tình trạng thận và tim”. Murray phát biểu khi nhận giải Nobel “ghép tạng có thể cứu mạng sống người bệnh”. Richard cưới một điều dưỡng chăm sóc mình, sống đến năm 1962, qua đời vì bệnh tái phát. Ronald mất năm 2010 ở tuổi 79.

 

Những năm sau Murray tiếp tục thực hiện nhiều cuộc ghép thận cho cặp song sinh y hệt và rồi thử ghép thận trên những người bà con. Làm sao để cơ thể không loại bỏ thận tốt của người cho không song sinh y hệt. Năm 1962, thuốc đè nén miễn dịch cùng với tìm mô phù hợp giúp Murray thành công ghép thận từ người cho không dính líu họ hàng. Từ 1954 – 1973, có khoảng 10.000 cuộc ghép thận.

 

Ghép thận trở thành một phương pháp điều trị. Thận được lấy từ một người sống hoặc chết, ghép vào người nhận. Ghép thận không khó khăn bằng làm sao để thận ghép không bị cơ thể thải bỏ. Murray ghép tạng đầu tiên giữa cặp sinh đôi y hệt. Tiếp đến nâng cấp ghép giữa cặp song sinh không y hệt, rồi thành công tiếp với thận ghép không song sinh.

 

Trói tay miễn dịch: oái oăm kỳ diệu

 
Nguồn UNOC
Nguồn UNOC
 
Lực cản sinh học. Chuyện ghép không thành công được bàn tới bàn lui. Đầu thế kỷ trước, Alexis Carrel (giải Nobel Y học 1912) cho là có một lực cản sinh học ngăn trở nhận tạng. Cuối những năm 1940, Peter Medawar (giải Nobel Y học 1960) làm rõ lực cản sinh học này. Những năm 1950, 1960 Jean Dausset (Nobel Y học 1980) tìm thấy các kháng nguyên HLA trên mặt tế bào của tạng ghép bị hệ miễn dịch của người bệnh nhận diện là mô lạ và thải bỏ.

 

Chiêu thức thần kỳ: đè nén miễn dịch. Murray tìm cách ghép thận lấy từ các người chết. Phải trói tay miễn dịch: chiếu xạ toàn thân người bệnh, về sau dùng thuốc đè nén miễn dịch hay hơn nữa. Sau cuộc ghép tuỷ xương, các tế bào của người nhận cũng bị các tế bào miễn dịch của mô ghép nhìn mặt là kẻ lạ, rồi phá huỷ có thể gây tử vong. Làm giảm nhẹ phản ứng gay gắt này bằng chiếu xạ toàn thân và thuốc methotrexate, Thomas đã thành công.

 

Ngày càng có nhiều loại thuốc đè nén miễn dịch để cơ thể nhận thận ghép: cyclosporin, corticosteroid azathioprin. Có các thuốc mới hơn: tacrolimus, sirolimus và mizoribin. Các thuốc này đều có những phản ứng phụ gây tác hại. Phải hết sức cẩn thận.

 

Nhìn ảnh bác sĩ Thomas và Dotlie họp mặt với đông đảo bệnh nhân cũ và gia đình, tôi thấy ấm lòng. Tôi cảm thông tâm sự của bác sĩ Murray: “Ngày nay ghép thận trở thành việc bình thường, nhưng cuộc ghép đầu tiên giống như chuyến bay của Linbergh xuyên đại dương”. Tại thư viện của bệnh viện Brigham và phụ nữ có treo câu nói của ông: “Cống hiến cho xã hội là món nợ chúng ta trả cho việc được sống trên trái đất này”.

 

Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng

Sài Gòn tiếp thị