1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Một bé tử vong vì hóc thạch

(Dân trí) - Sáng 23/1, một bé 3 tuổi ở TP Hà Đông, Hà Tây được đưa vào viện Quân y 103 trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở, đồng tử giãn....

Sau một ngày được cấp cứu, điều trị tại Viện Quân y 103, cháu Đức đã tử vong.

Theo PGS - TS Đỗ Tất Cường, Phó giám đốc bệnh viện 103: "Từ lúc xảy ra sự việc, cháu bé có thể đã không được sơ cứu kịp thời, ít nhất 15 phút sau cháu mới được đưa vào BV. Trong khi đó, chỉ cần sau 5 - 7 phút ngừng thở là đủ khiến não thiếu ôxi trầm trọng và rất khó cứu.
 
Theo lời kể của người đưa cháu đến viện, cháu Nguyễn Quý Đức được cha mẹ gửi ở một nhà trẻ tư. Sáng 23, cháu được đưa đến lớp cùng các bạn. Cháu Đức đang cùng ăn thạch với bạn thì có biểu hiện nghẹn, tím tái người, Họ vội vàng đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu.

Ngay sau khi vào viện, chẩn đoán ban đầu là hóc thạch, các bác sĩ đã tiến hành gắp ngay miếng thạch khỏi họng cháu Đức. Đây là loại thạch dính, to dày với kích thước khoảng 4cm x 3cm x 1,5cm.

Sau đó, cháu được tập trung Hồi sức cấp cứu bằng các phương pháp ép tim, úp mặt nạ thông khí, đặt ống nội khí quản, bóp bóng, cho thở máy, tiêm và truyền thuốc vào tim để kích thích tim đập lại...

Sau 15 phút, tim cháu đập trở lại, có phản xạ mi mắt. Tuy nhiên, cháu bé vẫn bị phù não, tổn thương tế bào não, thiếu ôxi, rơi vào tình trạng chết lâm sàng.

BS cho biết, do trước khi nhập viện, cháu đã bị thiếu máu lên não, mạch nhanh, sốt cao, đồng tử co lại, chỉ được 2mm, nên cháu Đức đã không qua khỏi và tử vong lúc 14h30 chiều 24/1. Nguyên nhân tử vong được xác định là do miếng thạch cản trở toàn bộ đường thở của cháu bé này nên cháu bị ngừng thở.

Cũng theo BS Cường, BV 103 đã từng cấp cứu và gắp ra dị vật từ khá nhiều trường hợp cả người lớn và trẻ em như cá rô, xương, đồng xu, cúc áo, nút chai... Khi biết có người hóc dị vật, cần phải sơ cứu nhanh trước khi đưa tới viện, tránh tình trạng đường thở bị cản trở làm não thiếu ôxi. Với trẻ em nên đặt cháu bé nằm sấp, đánh vào phía ngang thắt lưng. Với người lớn, kể cả người già có thể dùng tay ấn mạnh vào bụng, mục đích là kích thích dị vật bật ra khỏi họng kịp thời.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ